Gặp những người treo cờ Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris

21:17' - 26/03/2023
BNEWS Ngày 25/3, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tiếp 3 công dân Thụy Sĩ, những người đã tham gia treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 25/3 tại thủ đô Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có buổi tiếp 3 công dân Thụy Sĩ, những người đã từng tham gia sự kiện treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà vào ngày 18-19/1/1969, nhằm phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam.

 

Trong không khí ấm áp, thân tình, những câu chuyện thú vị của 3 vị khách đặc biệt Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff đến từ Thụy Sĩ đưa Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và những người nghe trở lại với không khí phản chiến sôi động của những năm 1969-1970. Câu chuyện kể về 30 tiếng đồng hồ dũng cảm của những chàng trai đến từ Lausanne (Thụy Sĩ) khi tìm cách leo lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris vào đêm 18-19/1/1969 để treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự kiện xảy ra cách đây hơn 50 năm và sự thật mới chỉ được công bố vào năm 2019, sau khi chóp tháp nổi tiếng này bị sụp đổ vì một vụ hỏa hoạn.

Câu chuyện của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam, ngày 18/1/1969. Khi đó Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục, Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý. Họ cũng là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó tại Việt Nam.

Theo lời kể của ông Olivier Parriaux, ngay khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, 3 chàng trai người Thụy Sĩ nhận ra rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris từ ngày 18/1/1969 sẽ là một sự kiện đặc biệt, dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau 9 năm thành lập.

Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ đã quyết định lựa chọn một địa điểm cao, không phải là là tháp Eiffel, mà là một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris.

Với kế hoạch do Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard sẽ leo lên chóp tháp với sự hỗ trợ của Olivier Parriaux, họ quyết định chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để leo lên Nhà thờ Đức Bà, treo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh ngọn tháp cao nhất. "Hành động này đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng vì chúng tôi không phải là người Paris, chúng tôi cũng chưa biết rõ sẽ làm thế nào để leo lên được đỉnh cao đó. Nhưng ngay khi có thông báo các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 18/1/1969, chúng tôi đã mượn một chiếc xe 2CV và lên đường",  Olivier Parriaux nhớ lại.

Sau hàng giờ rong ruổi trên con đường A6, họ đã đến Paris vào tầm trưa thứ Bảy 18/1. Bernard Bachelard và Olivier Parriaux tìm cách náu mình trên tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà. Chờ khi đêm xuống, với sự cảnh giới của Noé Graff, họ men theo máng hứng nước dọc gian giữa của nhà thờ, đến chân tháp và từ từ leo lên, đầy khó khăn và mạo hiểm. "Với sự dũng cảm của Bernard, mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ.

Khi tụt xuống, chúng tôi đã buộc phải cưa một số thanh sắt để ngăn cản khả năng tiếp cận của lính cứu hỏa, đảm bảo rằng lá cờ sẽ ở trên ngọn tháp đủ lâu để mọi người nhận thấy vào hôm sau, Chủ Nhật ngày 19/1", ông Olivier Parriaux kể lại. Mọi việc chỉ diễn ra trong vòng 30 tiếng đồng hồ và họ đã trở về nhà an toàn mà không quên tạt qua trụ sở nhật báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí về hành động của mình.

Lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cứ thế tung bay trên nền trời xanh, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội cứu hỏa Paris đã phải thao tác bằng trực thăng để tháo lá cờ trên đỉnh tháp. Các nhà báo, nhiếp ảnh, quay phim mặc sức nắm bắt cảnh đó dưới mọi góc độ. Cuối cùng, đến khoảng 15h chiều, lính cứu hỏa Raymond Belle đã treo mình vào dây cáp trực thăng để tiến đến gần cây thánh giá. Trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và sau nhiều lần thất bại, viên lính cứu hỏa này mới cắt đứt được các dây cột lá cờ.

Sự kiện đã trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác. Nhiều ngày sau, các tờ báo lớn ở Pháp, Mỹ và nhiều nước đã đăng tải hình lá cờ tung bay trên nóc tháp với những tình tiết tháo gỡ lá cờ một cách ly kỳ, cùng các giả thuyết về người đã treo nó. "Chúng tôi rất hài lòng với tiếng vang mà sự kiện này đã tạo ra. Thông điệp của hành động này đã được thế giới biết đến mà không cần chúng tôi nói rằng chính chúng tôi đã tạo ra nó", Olivier Parriaux chia sẻ đầy tự hào với sự đồng tình của 2 người bạn, Noé Graff và Bernard Bachelard.

Sau những năm cùng hoạt động trong Liên minh Mácxít Cách mạng (Ligue Marxiste Révolutionnaire - THH) tại Thụy Sĩ, Bernard Bachelard trở thành điều phối viên chương trình thí điểm về chăm sóc sức khỏe tại gia của bang Vaud, sau khi đã theo học khoa chính trị kinh tế. Noé Graff tiếp nối cơ nghiệp trồng nho của gia đình, tham gia phong trào ủng hộ nông dân Tây Ban Nha và cùng bạn bè sáng lập "Nền tảng vì một nền nông nghiệp mang tính xã hội bền vững". Olivier Parriaux trở thành giáo sư đại học, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực quang học điện từ, có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà vật lý Liên Xô. Và cả ba đã cùng nhau giữ bí mật cho riêng mình trong suốt nửa thế kỷ qua.

Cuốn sách công bố sự kiện

Để kỷ niệm dấu mốc 50 năm ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (27/1/1973 – 27/1/2023), các tác giả của sự kiện treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris đã quyết định kể lại câu chuyện mạo hiểm của họ, từng gây chấn động truyền thông Pháp và Mỹ 54 năm trước.

Với tựa đề "Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame" (tạm dịch là Cờ Việt Cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà), cuốn sách của Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux được Nhà xuất bản FAVRE, Lausanne (Thụy Sĩ) ấn hành, và ra mắt tháng 1/2023 với lời tựa : "Ngày hôm nay, ba người anh hùng, mặc dù họ không bao giờ tự nhận, đã kể lại 30 giờ gia nhập của họ vào cuộc chiến 30 năm của một dân tộc đã thoát được ra khỏi nanh vuốt chủ nghĩa thực dân, kháng cự một cách thắng lợi trước cơn đại hồng thủy của khói lửa và hóa chất chết người của Hoa Kỳ, và bước ra khỏi tình trạng kém phát triển".

Chia sẻ thêm về lý do công bố sự kiện treo cờ và việc ra đời cuốn sách, ông Olivier Parriaux cho biết : "Chúng tôi quyết định viết cuốn sách này và ký bằng 3 cái tên của mình, chỉ vài ngày sau khi chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris bị sụp đổ vì hỏa hoạn, tức là 50 năm sau hành động của chúng tôi. Đó là bởi vì chúng tôi đã rất xúc động trước sự mất mát lớn này. Nhưng cũng vì một điều khác rất quan trọng đối với chúng tôi: một tuần sau vụ hỏa hoạn, tờ báo Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam đã đăng một bài báo khiến chúng tôi rất ấn tượng, thích thú và khích lệ chúng tôi viết cuốn sách.

Tờ báo đó tuyên bố rằng sự kiện 50 năm trước đó được coi là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử hàng thế kỷ của Nhà thờ Đức Bà. Cuốn sách cũng mang một ý nghĩa to lớn khi nó được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam."

Bày tỏ cảm xúc khi tiếp đón những người bạn Thụy Sĩ treo lá cờ Việt Nam trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng hành động của họ đã thể hiện tình cảm của những người yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh nói chung và ủng hộ Việt Nam nói riêng. Đại sứ khẳng định: "Trong thời điểm lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi đó, phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần động viên và tạo nên nền tảng để nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi, ký được Hiệp định Paris năm 1973 và tiến tới thống nhất đất nước vào năm 1975".

Đại sứ cũng nhấn mạnh rằng việc đón 3 công dân Thụy Sĩ lần này không chỉ "gợi nhớ lại giai đoạn lịch sử đó của dân tộc, mà còn là dịp thể hiện sự tri ân của chúng tôi với các ông, cũng như đối với toàn thể phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục