Tín hiệu cảnh báo từ các doanh nghiệp Mỹ

20:09' - 04/05/2025
BNEWS Các doanh nghiệp Mỹ hiện rơi vào trạng thái “chờ và xem”, do chưa rõ liệu loạt thuế quan đối ứng quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump đề xuất - hiện đang được tạm hoãn trong 90 ngày kể từ tháng Tư.

Việc công bố kế hoạch kinh doanh và triển vọng lợi nhuận là điều bình thường trong hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự hỗn loạn do thuế quan đang “phủ bóng” lên nền kinh tế Mỹ, ngày càng nhiều công ty lớn đã lựa chọn “tạm ngừng dự báo” - một tín hiệu cho thấy họ đang bước đi trong vùng nước mờ mịt của sự bất định.

 

Các doanh nghiệp Mỹ hiện rơi vào trạng thái “chờ và xem”, do chưa rõ liệu loạt thuế quan đối ứng quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump đề xuất - hiện đang được tạm hoãn trong 90 ngày kể từ tháng Tư - có thực sự được triển khai hay không. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang trì hoãn hoặc ngừng công bố dự báo lợi nhuận, ít nhất là trong ngắn hạn. Đây là một tín hiệu không mấy tích cực - điều từng xảy ra trong thời kỳ phong tỏa do COVID-19, khi các doanh nghiệp ngại đưa ra thông tin có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Việc tạm ngừng dự báo cũng gây khó khăn cho các nhà phân tích, vốn dựa vào các chỉ số này để đánh giá triển vọng doanh nghiệp và nền kinh tế. Sự thay đổi liên tục và khó lường của chính sách khiến doanh nghiệp không chắc họ có cần điều chỉnh toàn bộ mô hình kinh doanh hay không.

Các ngành không còn đoán định được tương lai

Tập đoàn sản xuất ô tô Stellantis - chủ sở hữu các thương hiệu Jeep và Dodge -– ngày 1/5 cho biết họ không thể tiếp tục đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay, do quá khó để đánh giá tác động từ các chính sách thuế “đang thay đổi”. Trước đó một ngày, General Motors cũng tuyên bố từ bỏ dự báo lợi nhuận tăng trong năm 2025 vì chưa tính đến ảnh hưởng từ thuế. Tập đoàn xe sang Mercedes-Benz (Đức) cũng đưa ra quyết định tương tự.

Trong ngành công nghệ, cổ phiếu mạng xã hội Snap giảm tới 14% hôm 29/4 sau khi công bố sẽ không đưa ra dự báo cho quý II/2025, viện dẫn sự bất định kinh tế vĩ mô và tác động tiềm tàng đối với thị trường quảng cáo. Các hãng hàng không như American Airlines, Delta, Southwest và Alaska Air cũng đã rút lại dự báo cho cả năm, phản ánh áp lực kinh tế gia tăng. CEO Delta Air Lines Ed Bastian cảnh báo nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái và tăng trưởng của hãng hầu như đã đình trệ.

Dù một số công ty như UPS vẫn giữ nguyên dự báo, họ thừa nhận có thể sẽ thay đổi trong tương lai gần. CEO UPS Carol Tomé cho biết: “Có quá nhiều bất định trong nửa cuối năm, bởi các mức thuế này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Tâm lý tiêu dùng hiện đã suy giảm so với đầu năm, dù nhìn chung vẫn còn vững”.

Tạm ngừng dự báo: Tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng

Theo ông Paul Beland, Giám đốc Nghiên cứu Toàn cầu tại CFRA, việc các công ty rút lại dự báo tài chính là “một vấn đề rất lớn”. Ông nói với CNN rằng điều này làm tăng mức độ bất định - điều đang được cảm nhận rất rõ qua các chỉ số như tâm lý tiêu dùng. Dù giá trị cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 vẫn cao, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đã giảm trong sáu tháng qua.

Theo ông Beland, tình hình hiện tại có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn cao điểm đại dịch - khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, khác với khi đó, hiện không còn sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay các gói kích thích tài khóa từ chính phủ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục