Ghi nhận tại lễ khởi công 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam, giai đoạn 2

13:20' - 01/01/2023
BNEWS Sáng 1/1, lễ khởi công 12 gói thầu của 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với 9 địa phương đồng loạt tổ chức tại 12 điểm cầu.

Trong 12 điểm cầu có 3 điểm chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang - đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).

Tại điểm cầu trung tâm, lễ khởi công được tổ chức tại UBND xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc.

Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020 (khoảng 1.000 km). Để đạt được mục tiêu này phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Các chủ đầu tư bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt, các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu…

Trên tinh thần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố khởi công đồng thời 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

 

Trước đó, phát biểu tại điểm cầu chính Quảng Bình được tổ chức tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (dự án Bùng - Vạn Ninh), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã báo cáo sơ bộ quá trình chuẩn bị triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố.

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, bao gồm cả 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa được Bộ Giao thông Vận tải khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 31/12/2022, với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương và các địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của các cơ quan đơn vị liên quan ngành giao thông vận tải, đến nay, toàn bộ 12 dự án thành phần đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chính thức phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải bắt đầu từ ngày 6/1/2023 (15 tháng chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 6/2/2023 (16 tháng giêng năm Quý Mão) và tổng kết khen thưởng ngay sau khi kết thúc lễ phát động.

Cùng với 3 điểm cầu chính, còn 9 điểm cầu khác tổ chức tại Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm), Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm) và Cà Mau (1 điểm).

Theo đó, dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, lễ khởi công được tổ chức tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi đó, dự án Hàm Nghi – Vũng Áng cũng do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư được tổ chức tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Vũng Áng – Bùng tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Dự án do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư.

Tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức khởi công dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ tại địa điểm xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (điểm đầu tuyến Cam Lộ - La Sơn). Dự án do Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Tại tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông cũng phối hợp với địa phương tổ chức khởi công dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn tại địa điểm xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Dự án do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư.

Tại tỉnh Phú Yên, Bộ Giao thông Vận tải cũng phối hợp với tỉnh này tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh tại xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Dự án do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Phú Yên cũng đồng thời tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Chí Thạnh – Vân Phong tại phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Dự án này do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.

Trong khi đó, dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư cũng được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức tại địa điểm xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tại khu vực Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức khởi công dự án Hậu Giang – Cà Mau xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các điểm cầu, không khí tràn ngập niềm vui khi ngày đầu năm mới đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa với đất nước khi 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được đồng loạt khởi công để đến năm 2025 sẽ thông tuyến cao tốc quan trọng của đất nước, mở ra không gian phát triển mới trong thời gian tới.

Nhiều người dân đã đến điểm tổ chức buổi lễ từ rất sớm để được trực tiếp chứng kiến sự kiện quan trọng này; đồng thời, bày tỏ niềm vui và tự hào bởi từ trước đến giờ, địa phương chưa có sự kiện nào lớn như vậy.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau lễ khởi công, các dự án sẽ đồng loạt thi công ngay trên công trường, không nghỉ Tết. Tại điểm cầu, các nhà thầu đã huy động rất nhiều máy móc thiết bị đến công trường để tổ chức thi công ngay.

Tại dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, Tập đoàn Đèo Cả và các nhà thầu rất vinh dự khi được Chủ đầu tư tin tưởng chỉ định thi công đoạn cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp tiếp tục khẳng định uy tín, năng lực thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và vươn tầm quốc tế.

"Ý thức được trách nhiệm là nhà thầu đứng đầu liên danh, thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị dự án cao tốc lần này sẽ tạo ra tính vượt trội về năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Tập đoàn Đèo Cả sẽ hướng dẫn các nhà thầu trong liên danh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thầu khác để cùng nhau hoàn thành toàn tuyến cao tốc giai đoạn 2, thay thế ngay các nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu, không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân" – ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Thời gian hoàn thành trước 30/1/2023.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được lựa chọn trước ngày 30/01/2023 để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km, Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục