Giá cả tăng và du lịch sôi động trở lại, doanh nghiệp Nhật Bản “ăn nên làm ra”

08:02' - 03/02/2024
BNEWS Phần lớn các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán của Nhật Bản đã thấy lợi nhuận của họ được cải thiện trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng 12/2023.

Một phân tích mới đây của Nikkeiu cho thấy, phần lớn các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán của Nhật Bản đã thấy lợi nhuận của họ được cải thiện trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng 12/2023, trong đó các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa nói riêng được hưởng lợi từ giá cả cao hơn và hoạt động du lịch mạnh mẽ.

Khoảng 61% trong số khoảng 270 công ty niêm yết trên thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã công bố kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng 12/2023 đã báo cáo đạt lợi nhuận ròng.

 

Đây là tỷ lệ số doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất kể từ cùng kỳ năm 2021, khi 73% công ty chứng kiến lợi nhuận phục hồi sau khi hứng chịu “đòn giáng” nặng nề từ đại dịch COVID-19 vào một năm trước đó.

Khoảng 270 công ty, chiếm 25% số doanh nghiệp tại thị trường Prime, tương đương 22% về mặt vốn hóa thị trường. Lợi nhuận ròng của họ cũng đã tăng 70% trong giai đoạn này.

Phần lớn đà tăng đến từ các công ty dựa vào nhu cầu trong nước. 2/3 số công ty phi sản xuất báo cáo lợi nhuận cao hơn, bao gồm cả trong các lĩnh vực như đường sắt, vận tải hàng không, điện và thực phẩm.

Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) hôm 31/1 đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cho năm tái khóa kết thúc vào ngày 31/3 lên 165 tỷ yen (1,1 tỷ USD), tăng 66% so với năm trước đó. Nhà điều hành đường sắt này đã chứng kiến sự phục hồi lưu lượng giao thông từ người dân và khách du lịch nội địa, qua đó giúp họ cải thiện kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, Công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản (JR Tokai), đã chứng kiến lượng hành khách đi tàu cao tốc đông đúc trở lại trong khoảng từ tháng Tư đến tháng 12/2023. Doanh thu liên quan đến du lịch nội địa của họ đã tăng 77% so với cùng kỳ năm 2018, lên khoảng 60 tỷ yen.

Về phần mình, ANA Holdings, tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản đang điều hành hãng hàng không All Nippon Airways, đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm tài khóa 2023-2024 của tập đoàn lên 130 tỷ yen, tăng 45% so với năm trước. Số lượng hành khách kỷ lục trên các chuyến bay đến và đi Hawaii vào dịp nghỉ lễ Năm mới và việc ANA tăng giá vé cho một số chuyến bay nội địa vào tháng 6/2023 đã khiến lợi nhuận của họ tăng cao hơn.

Nhiều công ty đã thực hiện thành công việc tăng giá dịch vụ. Nhà điều hành công viên giải trí Tokyo Disney Resort, Oriental Land đã ghi nhận mức lợi nhuận ròng tăng 66% trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng 12/2023, lên 99,8 tỷ yen, lần đầu tiên đạt mức cao kỷ lục sau 5 năm. Công ty đã tăng mức giá tối đa cho vé công viên một ngày thêm 1.500 yen, lên 10.900 yen vào tháng 10/2023, nhưng số lượng khách vẫn tiếp tục tăng.

Công ty thực phẩm Toyo Suisan Kaisha công bố lợi nhuận ròng tăng 57% nhờ tăng giá mì ăn liền, chủ yếu ở Bắc Mỹ. Trong khi đó, công ty mẹ của hãng vận chuyển Sagawa Express là SG Holdings bị giảm 55% lợi nhuận ròng, xuống còn 48,3 tỷ yen, do nhu cầu ở nhà giảm bớt dẫn tới số lượng hàng cần giao giảm. Ngoài ra, ngành logistics tại Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng cũng tạo sức ép lên hoạt động kinh doanh của công ty.

Những người theo dõi thị trường hiện đang chuyển sự chú ý sang báo cáo kinh doanh của các nhà sản xuất ô tô và các doanh nghiệp khác, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ đồng yen yếu.

Ông Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng tại Okasan Securities, cho biết: “Thu nhập doanh nghiệp phần lớn đang phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những nhận định từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng thu nhập cho năm tài khóa tiếp theo”.

Tuy vậy, trong bối cảnh ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, các cơ sở lưu trú tại các điểm du lịch của Nhật Bản lại đang rơi vào tình trạng thiếu hơn 20% nhân lực cần thiết và phải chật vật để thuê đủ nhân công bằng cách đưa ra mức lương và các điều kiện làm tốt hơn.

Nhà cung cấp dịch vụ cho các công ty nhân sự Hrog đã phân tích dữ liệu từ các văn phòng việc làm công cộng và ba trang web tìm kiếm việc làm lớn. Phân tích cho thấy từ năm 2023, thông báo tuyển dụng từ các nhà điều hành khách sạn và nhà nghỉ đã tăng lên so với mức trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, có hơn 28.000 lời mời làm việc trong hai tháng 11 và 12/2023, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn mức tăng toàn ngành khoảng 10%.

Theo Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI Taro Saito, vẫn chưa có giải pháp ổn định cho sự khan hiếm lao động này. Ông ước tính ngành lưu trú tại Nhật Bản thiếu hụt hơn 150.000 việc làm trong giai đoạn từ tháng 7-9/2023. Điều này đồng nghĩa với việc ngành này vẫn còn thiếu hơn 20% lực lượng lao động cần thiết để bổ sung vào số lượng 600.000 người lao động hiện tại.

Theo báo cáo của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tổng chi tiêu của du khách nước ngoài năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục là 5.292,3 tỷ yên (35,70 tỷ USD), nhưng các cơ sở lưu trú có thể mất đi lượng khách tiềm năng do khan hiếm lao động. Ví dụ, tại một nhà nghỉ ở tỉnh Shizuoka, nơi thường kín khách trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và năm mới, chỉ duy trì được 70% công suất hoạt động trong mùa gần nhất vì họ đã từ chối nhận khách do số lượng nhân viên đã giảm 30% kể từ mùa Hè năm 2022.

Để đối phó với tình trạng này, một số điểm du lịch đã quyết định trả lương theo giờ cao hơn cả ở thủ đô Tokyo. Theo công ty dịch vụ nhân sự Dip, mức lương mà các công ty ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Niseko ở Hokkaido đưa ra trên trang web việc làm vào tháng 11/2023 đạt trung bình 1.524 yen/giờ (10,3 USD/giờ), cao hơn 90 yen so với mức trung bình 1.434 yen/giờ ở Tokyo.

Tương tự, mức lương trung bình ở khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hakone ở tỉnh Kanagawa cũng cao hơn Tokyo, ở mức 1.503 yen/giờ. Trong khi đó, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Hakuba, tỉnh Nagano, có mức lương trung bình gần bằng mức lương ở Tokyo là 1.402 yen.

Goryu - nhà điều hành Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Able Hakuba Goryu ở Nagano đã tăng số lượng lời mời làm việc cho mùa Đông này thêm khoảng 30 người so với mùa trước với kỳ vọng du lịch nội địa sẽ phục hồi.

Ngoài việc tăng lương theo giờ cho nhân viên mùa Đông trung bình thêm 200 yen/giờ trong mùa này, Goryu còn trả khoản trợ cấp một lần lên tới 30.000 yen (hơn 200 USD) cho những người xin việc sớm có thể làm việc lâu dài hơn. Công ty đã thành công trong việc tuyển dụng 180 nhân viên cho mùa Đông năm nay, con số lớn nhất ở khu vực Hakuba.

Trong khi đó, Hoshino Resorts sẽ tăng mức lương khởi điểm cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào năm 2024 thêm 11,7% lên 240.000 yen sau khi nhà điều hành khách sạn hạng sang buộc phải hạn chế hoạt động tại một số cơ sở do thiếu lao động. Theo Giám đốc điều hành Yoshiharu Hoshino, việc tuyển dụng nhiều nhân sự với mức lương cao hơn có thể giúp công ty tăng doanh thu thông qua việc nâng cao công suất hoạt động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục