Giá dầu thế giới trồi sụt thất thường trong tuần qua

13:38' - 04/09/2021
BNEWS Thị trường dầu mỏ trồi sụt bất nhất trong tuần qua, tác động bởi diễn biến của cơn bão Ida, lập trường chính sách của OPEC và số liệu việc làm mới nhất của Mỹ.

Thị trường dầu mỏ trồi sụt bất nhất trong tuần qua, tác động bởi diễn biến của cơn bão Ida, lập trường chính sách của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và số liệu việc làm mới nhất của Mỹ.

Đà tăng của giá dầu kéo dài từ cuối tuần trước tới phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (ngày 30/8), do lo ngại ảnh hưởng của bão Ida sẽ khiến nguồn cung dầu tại Mỹ bị thu hẹp và đồng USD yếu.

Thậm chí, tuần trước còn đánh dấu tuần tăng theo tỷ lệ phần trăm mạnh nhất của dầu Brent và dầu WTI trong hơn một năm qua.

Trong vòng 12 giờ sau khi vào bờ, bão Ida đã suy yếu thành bão cấp 1 và từ đó giảm xuống thành bão nhiệt đới vào đầu tuần này. Hàng trăm cơ sở sản xuất dầu đã được sơ tán trước khi bão tiến vào, đồng nghĩa tất cả sản lượng dầu ngoài khơi vùng Vịnh Mexico (khoảng 1,74 triệu thùng/ngày) đã bị đình chỉ sản xuất.

Sau những trận gió và mưa lớn, gần 1,2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở bang Louisiana và Mississippi đã mất điện vào thứ Hai.

Và việc cơn bão di chuyển vào đất liền đã khiến thị trường chuyển sự chú ý sang thời điểm các nhà máy lọc dầu có thể khởi động lại hoạt động sản xuất.

Tình trạng mất điện cùng việc đóng cửa nhà máy lọc dầu trên bờ biển Vịnh Mexico buộc các thương nhân phải cân nhắc tới khả năng hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này sẽ bị gián đoạn kéo dài.

Tuy nhiên, lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu thô sau khi cơn bão đi qua đã khiến giá dầu thế giới đi xuống ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, khép lại tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2021.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến cuối tháng 12/2021.

Các nguồn tin nói với hãng Reuters rằng nhóm này có khả năng sẽ duy trì kế hoạch đó bất chấp sức ép của Mỹ về việc tăng sản lượng.

Số liệu riêng của OPEC cho thấy thị trường sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung cho đến cuối năm 2021, nhưng sau đó sẽ rơi vào dư thừa trong năm 2022.

Xu hướng lên xuống thất thường này kéo dài tới cuối tuần, với việc giá dầu giảm sau báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ.

Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế mong manh của Mỹ có thể đồng nghĩa với việc nhu cầu nhiên liệu có thể chậm lại, giữa bối cảnh đại dịch đang bùng phát trở lại với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Dù vậy, biên độ giảm của giá dầu trong phiên này được hạn chế bởi lo ngại rằng nguồn cung dầu của Mỹ vẫn sẽ eo hẹp sau cơn bão Ida.

Kết thúc phiên 3/9, giá dầu Brent giảm 42 xu Mỹ (0,58%), xuống 72,61 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI mất 70 xu Mỹ (1%), xuống 69,29 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá của hai loại dầu chủ chốt này khá ổn định, với dầu WTI tăng 0,8%.

Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 235.000 việc làm trong tháng 8/2021, mức “khiêm tốn” nhất kể từ tháng 1/2021, thấp hơn nhiều so với dự báo tạo thêm 728.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Trong khi đó, 93% sản lượng dầu và khí đốt ở Vịnh Mexico của Mỹ phần lớn vẫn bị đình trệ sau cơn bão Ida, tương đương 1,7 triệu thùng.

Một số nhà phân tích nhận thấy khả năng dầu sẽ tăng giá sau khi OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đang “mắc kẹt” với kế hoạch bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường trong vài tháng tới.

Mỹ hoan nghênh động thái này và cam kết hối thúc OPEC+ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ phục hồi kinh tế bằng cách tăng sản lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục