Giá dầu Brent leo lên trên mốc 80 USD/thùng

07:46' - 10/11/2023
BNEWS Giá dầu Brent đã thấp hơn gần 20 USD/thùng so với mức đỉnh đạt được trong tháng 9/2023.
Giá dầu Brent đã khép phiên ngày 9/11 ở trên mốc 80 USD/thùng, sau khi những lo ngại về nhu cầu và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến giảm dần đã kích hoạt một đợt bán tháo dầu hồi đầu tuần này.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển bắc tăng 47 xu Mỹ (0,59%) lên 80,01 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 41 xu Mỹ (0,54%) lên 75,74 USD/thùng.

Vào cuối phiên giao dịch 9/11, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã lên tiếng về khả năng tăng lãi suất trong tương lai, làm lung lay hy vọng về nhu cầu mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và dầu thô.

Đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital LLC ở New York, ông John Kilduff, nhận định có một cơn gió ngược kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng đến thị trường hiện nay.

 

Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại S&P Global Commodity Insights, ông Jim Burkhard, cho biết các nguyên tắc cơ bản của thị trường đã chi phối tâm lý nhà giao dịch trong suốt phiên 9/11 do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông đã giảm bớt.

Giá dầu Brent đã thấp hơn gần 20 USD/thùng so với mức đỉnh đạt được trong tháng 9/2023.

Số liệu từ Trung Quốc công bố ngày 9/11 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng giảm phát, làm dấy lên nghi ngờ về cơ hội phục hồi kinh tế trên diện rộng ở quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới này.

Đầu tuần này, số liệu hải quan cho thấy tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc giảm nhanh hơn dự kiến.

Các chỉ dấu cho biết nhu cầu tại Mỹ cũng cho thấy sự suy yếu. Các nguồn tin dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ cho biết, lượng hàng trong các kho dự trữ của Mỹ đã tăng 11,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 3/11.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2/2023. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hoãn công bố dữ liệu tồn kho dầu hàng tuần cho đến ngày 15/11 để nâng cấp hệ thống.

Tuy nhiên, thị trường toàn cầu vẫn lạc quan với niềm tin rằng các ngân hàng trung ương lớn đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Lãi suất cao làm tăng chi phí vay, làm giảm nhu cầu trên các thị trường, bao gồm cả dầu thô.

Cả Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự kiến sẽ đưa ra quan điểm về tình trạng cung và cầu dầu cơ bản vào tuần tới. OPEC dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối tháng này để thảo luận về chính sách sản lượng cho năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục