Giá dầu châu Á đi lên do những dấu hiệu nguồn cung giảm

17:31' - 24/08/2018
BNEWS Giá đầu châu Á tăng trong phiên chiều 24/8, được hỗ trợ bởi những dấu hiệu cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran đã tác động đến nguồn cung của thị trường toàn cầu.
Giá dầu châu Á đi lên do những dấu hiệu nguồn cung giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 60 xu Mỹ lên 75,33 USD/thùng và đang hướng tới mức tăng giá 5% tính chung trên cả tuần qua.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 50 xu lên 68,33 USD/thùng. Loại dầu này cũng dự kiến sẽ đạt mức tăng 3,8% tính trung bình trong cả tuần này.

Chính phủ Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong tháng Tám sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế hồi năm 2015. Washington cho rằng thỏa thuận này không đủ để hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran ở Trung Đông.

Ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ mới đây đã dẫn các báo cáo của bên thứ ba cho thấy lượng dầu từ các tàu chở dầu Iran đã giảm khoảng 700.000 thùng/ngày trong nửa đầu tháng Tám so với tháng Bảy.

Ngân hàng này cho rằng đến quý IV năm nay, thị trường có thể phải chịu đựng sự thiếu hụt nguồn cung hay công suất dự phòng giảm, thậm chí là cả hai vấn đề trên.

Iran hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cung cấp khoảng 2,5 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ cho các thị trường toàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, tương đương với khoảng 2,5% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Tuy nhiên, công ty tư vấn năng lượng FGE dự báo xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran sẽ giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2019.

Ngoài ra, thị trường cũng tỏ ra khá thận trọng sau khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại đang ngày càng leo thang đã kết thúc vào thứ Năm (23/8) mà không có đột phá lớn nào. Thay vào đó, cả hai quốc gia đã kích hoạt một vòng thuế quan mới áp lên lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của nhau.

Các nhà kinh tế cho biết rằng một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm suy yếu hoạt động kinh doanh ở cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cản trở đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Song một nguồn tin của Reuters ngày 24/8 cho biết công ty dầu mỏ quốc doanh Unipec của Trung Quốc sẽ nối lại hoạt động mua dầu thô từ Mỹ trong tháng 10 tới, sau hai tháng gián đoạn do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục