Giá dầu châu Á giảm hơn 1% trong phiên 15/7

16:41' - 15/07/2021
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1% trong phiên giao dịch 15/7, nối dài đà giảm từ phiên trước đó.

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1% trong phiên giao dịch 15/7, nối dài đà giảm từ phiên trước đó, do giới đầu tư quan ngại trước khả năng thị trường sẽ tiếp nhận nhiều nguồn cung dầu hơn sau sự thỏa hiệp giữa các nhà sản xuất dầu hàng đầu thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Trong khi đó, việc dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng trong tuần trước tạp sức ép giảm cho giá dầu, dấy lên lo ngại về xu hướng đi xuống của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2021 giảm 1,02 USD (1,4%), xuống 72,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2021 cũng mất 91 xu Mỹ (1,2%), còn 73,85 USD/thùng.

Cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm hơn 2% vào phiên 14/7, sau khi Reuters đưa tin rằng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thồng nhất (UAE) đã đạt được tiếng nói chung mở đường cho một thỏa thuận tăng thêm nguồn cung dầu thô vào thị trường vốn đang bị thắt chặt, qua đó chặn lại đà tăng giá dầu.

Avtar Sandu, nhà giao dịch hàng hóa cao cấp tại Phillips Futures (trụ sở Singapore) cho biết, các nhà giao dịch có thể muốn rút bớt vốn ra khỏi thị trường trước khi thỏa thuận giữa hai nhà sản xuất dầu mỏ này được công bố cụ thể.

Các cuộc đàm phán giữa OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, đã đổ vỡ vào đầu tháng này, sau khi UAE phản đối việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sau tháng 4/2022.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs và Citi bank dự kiến nguồn cung dầu vẫn khan hiếm ngay cả khi OPEC+ hoàn tất thỏa thuận nâng sản lượng vào cuối năm 2021.

Tại Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm 8 tuần liên tiếp trong tuần trước (kết thúc ngày 9/7), nhưng tồn kho xăng và dầu diesel vẫn tăng, mặc dù công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu giảm. Điều này cho thấy sự sụt giảm lớn trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã không giúp thúc đẩy giá dầu khi các nhà giao dịch tập trung vào mức tăng của dự trữ xăng dầu kể từ đầu tháng Sáu.

Tuy nhiên, Trung Quốc-  nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Trung Quốc- cùng ngày đã báo cáo rằng, các nhà máy lọc dầu của nước này đã sử dụng lượng dầu thô kỷ lục trong tháng 6/2021, giúp nhẹ bớt áp lực giảm cho giá dầu.

Trong một diễn biến khác, triển vọng nguồn cung dầu của Iran nhanh chóng trở lại thị trường toàn cầu đã bị đẩy lùi do các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ không được nối lại cho đến giữa tháng 8/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục