Giá dầu châu Á phiên 17/7 giảm khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp hơn dự kiến

16:53' - 17/07/2023
BNEWS Trong phiên 17/7 tại châu Á, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 91 xu Mỹ, hay 1,1%, xuống 78,96 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 87 xu Mỹ (hơn 1%) xuống 74,55 USD/thùng.
Giá dầu tại châu Á phiên 17/7 tiếp tục giảm phiên thứ hai, sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế quý II của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, gây lo ngại về nhu cầu của nước tiêu thụ dầu đứng thứ hai thế giới này, trong khi Libya nối lại hoạt động khai thác vào cuối tuần.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 91 xu Mỹ, hay 1,1%, xuống 78,96 USD/thùng vào lúc 13 giờ 28 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng giảm 87 xu Mỹ (hơn 1%) xuống 74,55 USD/thùng.

 
Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết kinh tế nước này trong quý II/2023 tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 7,3% mà giới phân tích đưa ra, khi đà phục hồi hậu đại dịch nhanh chóng yếu đi do nhu cầu thấp.

Theo số liệu của NBS, trong tháng 6, các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc xử lý lượng dầu thô mỗi ngày tăng 1,6% so với tháng 5, khi tăng cường hoạt động sau giai đoạn bảo dưỡng vào đầu năm, trong lúc nước này nhập khẩu lượng lớn dầu thô.

Người phụ trách nghiên cứu về hàng hóa của ngân hàng ING, Warren Patterson, cho rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thị trường tập trung vào số liệu về GDP của nước này.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư tại công ty quản lý vốn 8VantEdge (Singapore), nhận định Chính phủ Trung Quốc có thể thận trọng về thời điểm thực hiện các biện pháp kích thích mới, do lo ngại điều này sẽ khiến giá hàng hóa tăng.

Giá cả hai loại dầu trên trong tuần trước tăng tuần thứ ba liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2023, sau khi Libya đóng cửa các mỏ dầu và Shell dừng xuất khẩu dầu thô được khai thác và sản xuất ở Nigeria, khiến nguồn cung bị thắt chặt.

Hai trong số ba mỏ dầu của Libya dừng hoạt động vào tuần trước đã nối lại hoạt động vào đêm 15/7.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu mỏ của Nga từ các cảng phía Tây trong tháng 8 dự kiến giảm khoảng 100.000-200.000 thùng/ngày so với tháng 7, khi nước này thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng cùng với quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Saudi Arabia./.

Lê Minh (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục