Giá dầu châu Á tăng 1% trong phiên đầu tuần

17:31' - 29/08/2022
BNEWS rong phiên giao dịch đầu tuần 29/8, giá dầu tăng 1%, nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng nếu cần để hỗ trợ giá vàng đen.

Thêm vào đó, xung đột ở Libya và nhu cầu gia tăng trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng cao, đã giúp bù đắp triển vọng ảm đạm của kinh tế Mỹ.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 45 xu Mỹ, tương đương 0,48%, lên 93,51 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 16 xu Mỹ, tương đương 0,16%, lên 101,15 USD/thùng, nối dài đà tăng 4,4% của tuần trước.

Sugandha Sachdeva, phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính Religare Broking (Ấn Độ), cho biết: “Giá dầu đang nhích lên cao hơn do hy vọng OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng để khôi phục sự cân bằng thị trường trước sự hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân Iran”. Ông Sachdeva cho biết thêm, lượng xuất khẩu dầu mạnh mẽ của Mỹ và lượng dầu tồn kho lớn hơn dự kiến trong vài tuần qua cũng đã làm giảm bớt một số lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Ca hai mặt hàng dầu chủ chốt đã giao dịch thấp hơn trong đầu phiên này, khi đồng USD leo thang sau những bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell vào cuối tuần trước cho hay nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài, giữa bối cảnh lãi suất tiếp tục tăng.

Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) cho biết: “Trong khi đồng USD mạnh kìm hãm giá hàng hóa tăng, vấn đề cung không đủ cầu trên thị trường dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng giá”.

Giá dầu đã được thúc đẩy bởi những gợi ý từ Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ rằng họ có thể cắt giảm sản lượng để cân bằng thị trường. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng nhất trí với Saudi Arabia về chính sách sản lượng, trong khi Bộ trưởng Dầu mỏ Oman cũng cho biết họ sẽ ủng hộ các nỗ lực của OPEC+ để duy trì sự ổn định của thị trường.

Các nguồn tin hồi tuần trước cho biết OPEC sẽ xem xét cắt giảm sản lượng để bù đắp bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào từ Iran, khi các lệnh trừng phạt đối với nước này có thể được dỡ bỏ nếu Tehran đồng ý khôi phục một thỏa thuận hạt nhân.

Trong khi đó, các cuộc đụng độ nghiêm trọng ở thủ đô của Libya đã khiến 32 người thiệt mạng vào cuối tuần, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể rơi vào một cuộc xung đột toàn diện, dẫn đến nguồn cung dầu thô từ OPEC bị gián đoạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục