Giá dầu ở châu Á tăng 0,2%

17:29' - 22/05/2018
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu đi lên tại thị trường châu Á với dầu Brent tiến sát hơn tới ngưỡng 80 USD/thùng.
Giá dầu mỏ châu Á giảm. Ảnh: AP/TTXVN

Lo ngại về nguy cơ nguồn cung tiếp tục giảm tại Venezuela sau khi diễn ra cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ngày 20/5 và khả năng Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với quốc gia này là yếu tố chính hỗ trợ thị trường năng lượng trong phiên này.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 22/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 15 xu Mỹ (0,2%) so với cuối phiên hôm trước lên 79,37 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu này đã phá vỡ mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014.

Trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 21 xu Mỹ (gần 0,3%) lên 72,45 USD/thùng.

Tổng thống đắc cử Venezuela Nicolas Maduro đang vấp phải làn sóng chỉ trích và áp lực bị cô lập của nhiều nước sau khi tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu đạt được là 67,7%, trong khi ứng cử viên đối lập đứng ngay sau là Henri Falcon chỉ đạt 21,2% số phiếu ủng hộ. Sáu nước tham gia Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là Mỹ, Canada, Australia, Argentina, Chile và Mexico ngày 21/5 đã ký một tuyên bố chung không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela do cho rằng cuộc bầu cử tại Venezuela đã loại bỏ các thành phần chính trị cốt yếu, không có sự tham gia của các quan sát viên quốc tế độc lập và không có sự đảm bảo cần thiết để tiến trình này được công nhận. Điều này càng khiến quốc gia Nam Mỹ này phải đối mặt thêm với nhiều khó khăn, giữa bối cảnh sản lượng dầu mỏ của Venezuela đã giảm 1/3 trong hai năm qua, xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Iran - quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ ba thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Washington sẽ gia tăng sức ép tài chính đối với Iran bằng "những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử". Theo ông Pompeo, Mỹ sẽ gây áp lực tài chính chưa từng có nhằm đưa Tehran trở lại bàn đàm phán.

Ông Pompeo đã yêu cầu có những thay đổi sâu rộng về chính sách hạt nhân và đối ngoại của Tehran - điều càng hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này, qua đó đẩy giá dầu tăng cao. Tony Nunan, nhà quản lý rủi ro dầu mỏ thuộc Mitsubishi Corp (Tokyo), nhận định lượng dầu xuất khẩu của Iran trong quý IV/2018 có thể giảm bớt đi 200.000 thùng/ngày.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục