Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống phiên 21/10

17:15' - 21/10/2021
BNEWS Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất trong nhiều năm trong tuần này do cuộc khủng hoảng than và khí đốt trên toàn cầu.

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch 21/10, do một số nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo chốt lời sau đợt tăng giá gần đây, cho dù nhu cầu năng lượng tại Mỹ vẫn mạnh và các nỗ lực trên toàn cầu nhằm chuyển đổi từ than đá và khí tự nhiên sang nhiên liệu dầu mỏ đã hạn chế đà giảm của giá dầu.

Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 12/2021 giảm 33 xu Mỹ (0,4%), xuống 83,09 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 54 xu Mỹ (0,6%), xuống 85,28 USD/thùng, để mất đà tăng hồi đầu phiên từngđưa giá mặt hàng này “vọt” lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Trước đó, trong phiên 20/10, giá dầu WIT giao tháng 11/2021 đã hết hạn giao dịch và chốt phiên ở mức tăng 91 xu Mỹ (1,1%), lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.  Còn giá dầu Brent tăng 0,9% trong cùng phiên.
Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa của Rakuten Securities, cho biết, dù có một số điều chỉnh, nhưng tâm lý chung trên thị trường vẫn ổn định vì không có sự gia tăng lớn về sản lượng từ Mỹ hoặc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Ông nói: “Giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay, do nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể tiếp tục bị thắt chặt do các nỗ lực khử carbon của Mỹ sẽ hạn chế đà tăng sản lượng, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng lên khi nhiều công ty điện chuyển đổi nhiên liệu mà họ sử dụng từ than và khí đốt sang dầu mỏ”.
Các nhà máy lọc dầu đang tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đồng loạt tăng  trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ, nhưng việc bảo trì nhà máy và giá khí tự nhiên cao dự kiến sẽ hạn chế nguồn cung dầu trong quý IV/2021.
Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất trong nhiều năm trong tuần này do cuộc khủng hoảng than và khí đốt trên toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy việc chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu mỏ để sản xuất điện.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 431.000 thùng trong tuần tính đến ngày 15/10, xuống 426,5 triệu thùng, so với dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 1,9 triệu thùng.  Các kho dự trữ dầu của Mỹ tại trung tâm sản xuất dầu của Mỹ tại Cushing, Oklahoma đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, cho thấy tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường “vàng đen” có thể phải mất một thời gian nữa mới có thể cải thiện.
Trong khi đó, cũng theo EIA, dự trữ xăng của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến 5,4 triệu thùng trong tuần trước, xuống 217,7 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2019, còn dự trữ sản phẩm chưng cất giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ tháng 4/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục