Giá dầu tăng nhẹ trên thị trường châu Á

16:54' - 25/08/2016
BNEWS Trong phiên giao dịch chiều ngày 25/8, giá dầu quay đầu đi lên tại thị trường châu Á.
Giá dầu tăng nhẹ trên thị trường châu Á. Ảnh: reuters

Dầu mỏ rớt giá mạnh trong phiên trước đó do báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của nước này tuần trước bất ngờ tăng lên và những hy vọng về một thỏa thuận nhằm hạn chế nguồn cung cũng lắng xuống.

Đầu phiên này, giá dầu nối dài đà giảm từ phiên trước, song xu hướng này đã bị chặn lại ở giữa phiên và tới 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 11 xu Mỹ, lên 46,88 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 6 xu, lên 49,11 USD/thùng.

Như vậy, tính từ cuối tuần trước đến nay, dầu WTI đã để mất khoảng 4,5% giá trị, trong khi dầu Brent mất giá 3,5%.

Báo cáo ngày 24/8 của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay, dự trữ dầu thương mại của nước này trong tuần trước tăng 2,5 triệu thùng, đi ngược với dự báo giảm của giới phân tích và làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng dư cung, vốn luôn là nỗi ám ảnh với thị trường năng lượng trong khoảng hai năm qua.

Thông tin trên đã khiến giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent lần lượt mất 2,8% và 1,8% trong phiên giao dịch ngày 24/8.

Tuần trước, thị trường dầu mỏ đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng khi tăng 20% so với các mức thấp gần đây và đi lên bảy phiên liên tiếp, giữa bối cảnh Bộ trưởng Năng lượng Nga "bóng gió" đề cập đến khả năng hợp tác với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng dư cung hiện tại thông qua một cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tháng Mười tới.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak đưa ra sau khi OPEC thông báo kế hoạch tiến hành cuộc họp không chính thức bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế được tổ chức tại Algeria trong các ngày 26-28/9/2016.

Thêm vào đó, thông tin khác cho thấy Iran dường như đã thay đổi quan điểm trước đây và có thể cũng xem xét việc hạn chế sản lượng càng góp phần hỗ trợ giá “vàng đen”.

Tuy nhiên, Bộ Dầu mỏ Iran ngày 24/8 lại “dội gáo nước lạnh” vào thị trường khi cho rằng Tehran chưa quyết định về việc điều chỉnh sản lượng dầu mỏ, thậm chí cả việc có hay không tham dự cuộc họp tại Algeria vào tháng Chín tới.

Nỗ lực "đóng băng" sản lượng của OPEC ở mức của tháng 1/2016 đã bị thất bại vào tháng Tư vừa qua, khi Saudi Arabia muốn tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ, kể cả Iran, phải tham gia thỏa thuận này.

Iran từ chối tham gia kế hoạch "đóng băng" sản lượng với lý do là nước này cần phải giành lại thị phần bị mất sau khi thoát khỏi lệnh cấm vận kéo dài nhiều năm của phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục