Giá dầu thế giới ghi nhận tuần đi lên thứ năm liên tiếp

13:57' - 22/01/2022
BNEWS Mặc dù liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, song đà tăng ấn tượng vào đầu tuần đã giúp thị trường dầu thế giới ghi nhận tuần đi lên thứ năm liên tiếp.

Giá dầu nhận được lực đẩy khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (còn gọi là OPEC+) không cung cấp đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu, cho dù tổng sản lượng dầu của Libya đã phục hồi về mức 1,2 triệu thùng/ngày.

Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities (Nhật Bản) đánh giá lo ngại về hạn chế nguồn cung có tác động mạnh mẽ đến thị trường hơn so với thông tin về khả năng Trung Quốc sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc có kế hoạch giải phóng dự trữ dầu trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 31/1-6/2 như một phần trong kế hoạch của các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhằm điều chỉnh đà tăng của giá dầu.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan đến các nước sản xuất dầu lớn Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Nga có thể làm trầm trọng thêm triển vọng nguồn cung vốn đã eo hẹp.

Trong khi đó, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trên thế giới trong năm 2022 bất chấp sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và động thái tăng lãi suất ở một số nước lớn. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán lượng dầu tại các kho dự trữ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa Hè 2022 và giá dầu Brent tăng lên 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, tới phiên 20/1, dầu đã dứt chuỗi phiên tăng giá để đảo chiều đi xuống, khi báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của nước này tăng 515.000 thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng tăng 5,9 triệu thùng, đẩy lượng tồn kho này lên mức cao nhất trong một năm.

Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ phiên thứ hai liên tiếp trong ngày giao dịch cuối tuần 21/1, do nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời sau khi giá dầu này chạm đỉnh 7 năm vào đầu tuần, đồng thời chịu tác động bởi báo cáo về dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ.

Khép phiên, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 41 xu Mỹ (0,5%), xuống 85,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc lùi 49 xu Mỹ (0,6%), xuống 87,89 USD/thùng.

Tuy vậy, cả mặt hàng này vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ năm liên tiếp, với mức tăng khoảng 2% trong tuần này. Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng hơn 10% do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của OANDA Edward Moya chia sẻ: “Các nhà đầu tư không ngạc nhiên khi chứng kiến đà tăng của giá dầu chững lại. Có thể giá dầu không thể tăng một mạch tới mức 100 USD/thùng, nhưng những yếu tố cơ bản về nguồn cung chắc chắn sẽ hỗ trợ để điều đó xảy ra trước mùa Hè”.

Các nhà phân tích khác cũng dự đoán áp lực hiện tại trên giá dầu chỉ mang tính giới hạn do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lại đang gia tăng. UBS dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng cao kỷ lục trong năm nay và hiện tại giá dầu Brent đang giao dịch trong biên độ 80-90 USD/thùng. Trong khi đó, Morgan Stanley dự đoán giá dầu Brent có thể sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong quý III/2022, cao hơn mức dự báo 90 USD/thùng đưa ra trước đó.

Trong tuần này tại Mỹ, lần đầu tiên trong vòng 13 tuần qua, các công ty năng lượng đã cắt giảm hoạt động của các giàn khoan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục