Giá dầu thế giới giảm tuần thứ năm liên tiếp

10:04' - 24/06/2017
BNEWS Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới ghi nhận tuần giảm thứ năm liên tiếp.
Giá dầu thế giới giảm tuần thứ năm liên tiếp. Ảnh: reuters
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới ghi nhận tuần giảm thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh giới giao dịch cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất đã thất bại trong việc hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent biển Bắc và dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 3,9%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (19/6), giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng trước những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô tiếp tục gia tăng tại Mỹ, Libya và Nigeria. Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 7/2017 giảm 54 xu Mỹ (1,2%) xuống còn 44,20 USD/thùng, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 14/11/2016. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2017 giảm 46 xu Mỹ (1%) xuống còn 46,91 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2016.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 20/6 khi những lo ngại về nguồn cung dư thừa trên toàn cầu tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Theo hãng tin Reuters, sản lượng dầu của Libya đã tăng hơn 50.000 thùng/ngày lên 885.000 thùng/ngày sau khi công ty dầu mỏ quốc doanh của nước này giải quyết tranh chấp với công ty Wintershall của Đức. Trong khi đó, nguồn cung dầu của Nigeria cũng tăng, và dự kiến xuất khẩu dầu thô (Bonny Light) của nước này sẽ đạt 226.000 thùng/ngày trong tháng 8/2017.

Bước sang phiên giao dịch ngày 21/6, giá dầu giảm sâu hơn tới 2% do sản lượng dầu của Mỹ tăng lên và hoạt động lọc dầu của Trung Quốc giảm sút làm gia tăng những quan ngại về tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu.

Khép lại phiên này, giá dầu WTI giảm 2,3% xuống còn 42,53 USD/thùng, sau khi có thời điểm đã chạm 42,13 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 9,35 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó, gần các mức sản lượng của hai nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu là Nga và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch cuối tuần (22-23/6), giá dầu thế giới đảo chiều tăng trở lại, khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau khi giá rơi xuống mức thấp trong nhiều tháng. Chốt phiên 23/6, giá dầu Brent tăng 0,32 USD (0,7%) lên 45,54 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 0,27 USD (0,6%) lên 43,01 USD/thùng.

Sau khi đạt mức đỉnh của năm nay vào cuối tháng Hai vừa qua, giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 20%, xóa sạch toàn bộ mức tăng đạt được từ cuối năm ngoái nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày giữa các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Thống kê cho thấy giá dầu vẫn tiếp tục giảm khoảng 15% kể từ ngày 25/5, thời điểm OPEC quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. JP Morgan dự báo với sự gia tăng sản lượng của Mỹ và sức ảnh hưởng yếu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC, giá dầu vẫn sẽ giao dịch trong ngưỡng 40 USD/thùng vào đầu năm tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục