Giá dầu thế giới tăng khoảng 4% do ảnh hưởng của khủng hoảng Ukraine

08:08' - 09/03/2022
BNEWS Nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với "cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay" vì vai trò chủ chốt của Nga.
Giá dầu thế giới khép phiên 8/3 với mức tăng 4% trong bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga và Vương quốc Anh cho biết sẽ làm điều này vào cuối năm nay. Các quyết định này được cho là sẽ khiến nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu ngày càng thắt chặt do Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine, và Mỹ và các nước khác đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt. Xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng đã chậm lại trước lệnh cấm do các thương nhân tìm cách tránh né ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga. Anh cho biết nước này sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022, giúp thị trường và các doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Nga xuất khẩu từ 7-8 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày cho các thị trường toàn cầu. Các đồng minh châu Âu dự kiến sẽ không tham gia lệnh cấm này với Mỹ, song các khách hàng mua lớn tại khu vực này cũng đã ngừng nhập khẩu dầu Nga.

Trước đó, Shell đã phải đối mặt với hàng loạt ý kiến "kêu ca" vì đã mua dầu thô của Nga. Ngày 8/3, Shell thông báo đã ngừng thỏa thuận mua dầu này.

Tình trạng gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng khác, vì dầu và các sản phẩm của Nga được sử dụng để tinh chế thành các loại hàng hóa khác.

Trước khi lệnh cấm được công bố, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 từ mức 98 USD/thùng lên 135 USD/thùng và triển vọng năm 2023 từ 105 USD/thùng lên 115 USD/thùng, cho rằng nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với "cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay" vì vai trò chủ chốt của Nga.

Kỳ vọng về khả năng dầu thô Iran sớm quay trở lại thị trường toàn cầu đã giảm xuống, gây thêm sức ép tăng giá khi các cuộc đàm phán giữa Tehran và các cường quốc thế giới bị đình trệ.

Trước lo ngại nguồn cung gián đoạn, nhiều nhà sản xuất dầu lớn đã được kêu gọi thúc đẩy sản lượng. Mustafa Sanalla, người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, cho biết sản lượng của nước này hiện ở mức 1,3 triệu thùng/ngày và sẽ đạt 1,5 triệu thùng vào cuối năm nay.

Dữ liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng bất ngờ 2,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/3./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục