Giá dầu thế giới tăng tuần thứ sáu liên tiếp

12:55' - 29/01/2022
BNEWS Giá dầu giao kỳ hạn tăng tuần thứ sáu liên tiếp, với mức chốt phiên cuối tuần cao kỷ lục mới trong bảy năm.

Trong cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,4%, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2%.

Theo Dow Jones Market Data, giá dầu Brent giao tháng Ba tăng 69 xu Mỹ, hay 0,8%, chốt phiên 28/1 ở mức 90,03 USD/thùng tại ICE Futures Europe, sau giảm 62 xu Mỹ trong phiên trước và phục hồi lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Trong khi đó, giá dầu WTI giao cùng kỳ tăng 21 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 86,82 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, sau khi chạm mức 88,84 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giá dầu giảm trong phiên 27/1, do thị trường đã cân bằng giữa lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên toàn thế giới với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong phiên này, giá dầu Brent giảm 62 xu Mỹ xuống 89,34 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI lúc đóng cửa cũng giảm 74 xu Mỹ xuống 86,61 USD/thùng.

 

Trong phiên 26/1, giá dầu thế giới chạm mức 90 USD/thùng lần đầu tiên trong bảy năm qua, nhờ nguồn cung thắt chặt và căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn hơn nữa của thị trường “vàng đen”.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent tăng 1,76 USD, hay 2%, lên 89,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 1,75 USD, hay 2%, và đóng phiên ở mức 87,35 USD/thùng.

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên 25/1 do những lo ngại về nguồn cung có thể trở nên thắt chặt liên quan đến căng thẳng Ukraine-Nga, và các nước trong và ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay còn gọi là OPEC+, khó đạt được mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng. 

Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 1,93 USD (2,2%) lên 88,20 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 2,29 USD (2,8%) lên 85,60 USD/thùng.

Giá dầu giảm khoảng 2% trong phiên 24/1, khi lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến đã làm các thị trường có nhiều rủi ro như chứng khoán mất đà. Phiên này, giá dầu Brent giảm 1,62 USD (tương đương 1,8%) xuống 86,27 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI để mất 1,83 USD (2,2%) xuống 83,31 USD/thùng.

Những lo ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine và sự thắt chặt các nguồn cung dầu thô đã hỗ trợ giá dầu.

Người phụ trách chiến lược thị trường Phillip Streible tại công ty môi giới tài chính Blue Line Futures (Mỹ) cho rằng những căng thẳng địa chính trị với căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với biến động tiếp diễn tại Trung Đông là mối lo ngại chính.

Nhà phân tích Carsten Fritsch tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định không có lý do nào khác lý giải cho việc giá dầu tăng mạnh ngoài những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine leo thang.

Sự chú ý cũng đang được hướng đến cuộc họp trong tuần tới của OPEC+. OPEC+ đang duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, dù Mỹ và các nước tiêu thụ dầu khác hối thúc nhóm này tăng sản lượng nhanh hơn. Trong khi đó, một số nước sản xuất trong nhóm gặp khó khăn trong việc tuân thủ hạn ngạch sản lượng đã được nâng lên.

Các nhà phân tích cho rằng OPEC+ có thể lo ngại việc đẩy giá dầu lên trên mức 90 USD/thùng hoặc cao hơn sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục