Giá dầu thế giới vẫn tăng hơn 5% trong tuần qua

14:06' - 08/01/2022
BNEWS Tuy đi xuống trong phiên 7/1 do các thông tin bất lợi, giá dầu thế giới vẫn tăng tuần thứ ba liên tiếp khi nhu cầu vẫn ổn định bất chấp tình hình dịch COVID-19 còn nhiều điều không chắc chắn.

Phiên này, giá dầu Brent giảm 24 xu (tương đương 0,3%) xuống 81,75 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 56 xu (0,7%) xuống 78,90 USD/thùng.

Các thị trường trong phiên ngày thứ Sáu bị bủa vây bởi một loạt vấn đề, bao gồm mối lo ngại về nguồn cung do tình hình bất ổn ở Kazakhstan, việc tạm dừng sản xuất ở Libya và báo cáo việc làm tháng 12/2021 thấp hơn kỳ vọng của Mỹ.

Ông John Kilduff, một đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital Management cho biết các số liệu việc làm mới nhất khiến nhà đầu tư thêm không chắc chắn về triển vọng cho thời gian tới, đồng thời nỗi sợ hãi về biến thể Omicron đã len lỏi trở lại thị trường.

Tình hình chính trị bất ổn tại Kazakhstan – một nước thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đe dọa khiến sản lượng dầu tại đây giảm xuống. Trong khi đó, sản lượng dầu tại Libya đã giảm từ 1,3 triệu thùng/ngày trong năm ngoái xuống 729.000 thùng/ngày, một phần do công tác bảo dưỡng đường ống.

Càng khiến tình hình nguồn cung đáng lo ngại hơn là việc OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+) không tăng sản lượng đủ để bắt kịp đà tăng trưởng về nhu cầu. Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 12/2021 chỉ tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, thấp hơn nhiều so với mức tăng cho phép là 253.000 thùng/ngày theo thỏa thuận kiểm soát nguồn cung của OPEC+.

Dù vậy, thị trường dầu thế giới nhìn chung vẫn có một tuần khá thành công.

Phiên 3/1, giá dầu thế giới đi lên, trước kỳ vọng nhu cầu dầu phục hồi hơn nữa trong năm 2022, bất chấp những lo ngại dai dẳng về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,20 USD (1,5%) lên 78,98 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 87 xu Mỹ lên 76,08 USD/thùng. Giới chuyên gia nhận định đà tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu và chính sách hạn chế tại một số quốc gia đang ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực du lịch hàng không và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu Brent tiếp tục tăng lên mức 80 USD/thùng trong phiên ngày 4/1, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021, trong bối cảnh OPEC+ nhất trí tuân thủ kế hoạch tăng sản lượng cho tháng 2/2022 dựa trên các dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron sẽ chỉ có tác động nhỏ đến nhu cầu. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng 91 xu Mỹ (1,2%) lên 76,99 USD/thùng.

Đà tăng mạnh của giá dầu tiếp tục kép dài trong các phiên 5-6/1 do tình hình bất ổn tại Kazakhstan - một thành viên OPEC và tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu tại Libya. Kết thúc phiên 6/1, giá dầu WTI tăng 1,61 USD (2,1%), lên 79,46 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tiến 1,19 USD (1,5%) lên 81,99 USD/thùng, sau khi có thời điểm trong phiên này chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021.

Do đó, dù giảm trong phiên cuối tuần 7/1, giá dầu Brent và WTI vẫn tăng lần lượt 5,2% và 5% trong tuần đầu tiên của năm 2022, với mức giá quanh mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái do lo ngại về nguồn cung.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết dù biến thể Omicron đang lây lan nhanh, nhưng những lo ngại về nhu cầu dầu đang dịu xuống trước những bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước. Điều này có nghĩa các Chính phủ sẽ ít khả năng ra những lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại quy mô lớn như trước đây.

Tuy nhiên, những hạn chế đối với việc tới trực tiếp các nhà hàng và phòng tập thể dục do nhiều Chính phủ trên thế giới áp đặt là lời nhắc nhở rằng biến thể Omicron vẫn có thể gây tác động tới nhu cầu.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới tài chính Oanda cho biết thị trường dầu vẫn thắt chặt và có vẻ như giá sẽ còn tăng cao hơn. Dù tỏ ra lạc quan hơn, các nhà giao dịch trên thị trường năng lượng vẫn cẩn trọng trước khả năng các lệnh hạn chế để phòng dịch trên khắp châu Âu và châu Á đe dọa triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục