Giá dứa bấp bênh khiến nông dân lao đao

10:26' - 18/06/2018
BNEWS Do giá cả bấp bênh vì không có đầu ra, nên thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình trồng dứa tại Tiền Giang lao đao, vướng vào cảnh nợ nần vì trồng dứa.
Nông dân Tiền Giang thu hoạch dứa. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Với diện tích trồng dứa lên tới gần 16.500ha, huyện Tân Phước là vùng trồng dứa lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng từ giữa năm 2017 tới nay, giá dứa thường xuyên lên xuống bấp bênh, khiến cho người nông dân lao đao.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, hiện tại giá dứa được thu mua tại vườn có giá khoảng từ 2.000-3.000 đồng/kg tùy vào từng loại. Trong nhiều tháng trở lại đây, giá cả thường xuyên lên xuống, lúc cao điểm lên tới 5.500 đồng/kg, nhưng cũng có khi xuống 1.500 đồng/kg, mỗi ha trồng dứa, người dân lỗ vốn từ 10 - 15 triệu đồng.

Để trồng 1ha dứa, người nông dân phải bỏ ra từ 80 - 100 triệu tiền vốn cho việc cải tạo đất, mua giống, thuê công trồng… Sau từ 12 - 15 tháng, dứa cho thu hoạch, trung bình mỗi ha, người dân thu về được 20 tấn quả.

Nguồn dứa nguyên liệu trước đây được xuất cho một số công ty thu mua. Tuy nhiên, hiện tại số lượng được tiêu thụ lại rất ít, do các công ty này đã nhập dứa từ nơi khác, nên đầu ra chính của mặt hàng này chủ yếu được bán cho thương lái, nên giá cả thường bị dao động.

Ông Phạm Văn Mến, thương lái thu mua dứa tại Tiền Giang cho biết, hiện tại mỗi ngày ông thu mua gần 100 tấn, với mức giá khoảng 2.200 – 2.500 đồng/kg tùy từng loại. Nhưng, chỉ có thể tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn lân cận nên số lượng xuất đi cũng không được nhiều, cùng với đó giá cả cũng không được ổn định.

Lên Tiền Giang thuê đất trồng dứa được khoảng nửa năm nay, bà Đoàn Thị Điểm, ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước chia sẻ: “gia đình tôi từ Kiên Giang lên đây làm nhiều năm, vay mượn hơn 100 triệu để thuê đất, mới trồng dứa được nửa năm nay, nhưng đúng lúc giá cả bấp bênh, bán thì lỗ vốn, để cũng không được. Giờ chúng tôi chỉ còn cách phá đi trồng lại, mong sau này giá lên, với tình trạng như vậy, chắc chúng tôi phải bán đất, bán nhà đi trả nợ”.

Với điều kiện địa lý khắc nghiệt, vùng đất Tân Phước nhiễm phèn, cây dứa được coi như giống cây trồng chủ lực, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên do giá cả bấp bênh vì không có đầu ra, nên thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình lao đao, vướng vào cảnh nợ nần vì trồng dứa.

>>> Cung không đủ cầu, giá dứa tăng gần gấp đôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục