Gia Lai tận dụng tiềm năng tạo bước ngoặt về sản phẩm nông nghiệp

17:58' - 18/12/2021
BNEWS Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp ý với lãnh đạo tỉnh Gia Lai nên tận dụng tiềm năng, diện tích rừng để tạo ra bước ngoặt, bứt phá về sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương.

Nằm trong chuỗi các hoạt động của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tây Nguyên, chiều tối 18/12, tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp ý với lãnh đạo tỉnh Gia Lai nên tận dụng những tiềm năng, diện tích rừng để tạo ra những bước ngoặt, bứt phá về sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương.

Theo ông Hoan, Gia Lai nên tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên nền tảng xây dựng nông nghiệp xanh với thương hiệu "Gia Lai xanh". Gia Lai nên tận dụng lợi thế hội tụ những điều kiện thuận lợi về giao thông để kết nối kinh tế biển - kinh tế rừng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Gia Lai có thể tận dụng diện tích rừng để trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, tạo sinh kế cho người dân.

Đầu giờ chiều 18/12, tại thành phố Pleiku đã diễn ra Hội nghị tập huấn kiến thức quản lý nhà nước, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với định hướng phát triển bền vững đến năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Hội nghị được thực hiện theo hai hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Hội nghị Tập huấn kiến thức quản lý nhà nước, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với định hướng phát triển bền vững đến năm 2025 do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông thôn chính là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị và phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là vai trò của hợp tác xã nông nghiệp.

Cùng đó, ngành nông nghiệp trong thời gian tới cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, tập trung vào việc tăng sản lượng, quan tâm đến các biện pháp canh tác bền vững để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu; từng bước thay đổi thói quen sản xuất để giảm giá thành; tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhằm tránh bị động, phụ thuộc.

Mỗi địa phương biết tìm cho mình hướng đi riêng với những thương hiệu sản phẩm đặc trưng; trong đó, bắt đầu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp như trước đây.

Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn bạc, thống nhất đưa ra một số định hướng xây dựng nông thôn phát triển bền vững; Tái cơ cấu gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản đến năm 2025; Tầm nhìn, chiến lược, chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực phát triển bền vững ngành nông nghiệp, theo hướng “Hợp tác- Liên kết- Thị Trường”; Kinh nghiệm phát triển nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; Kinh nghiệm liên kết với hợp tác xã và doanh nghiệp để sản xuất nông sản theo chuỗi ngành hàng chủ lực vùng Tây Nguyên.

Trong sáng cùng ngày, ông Lê Minh Hoan và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thăm vùng Chanh leo và làm việc với Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Nam Yang (huyện Đăk Đoa); thăm vùng trồng dứa, nhà máy chế biến của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai; thăm vùng cà phê và làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và du lịch sinh thái Hàm Rồng, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục