Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi cần lưu ý gì tái đàn?

10:12' - 06/06/2024
BNEWS Giá lợn hơi tăng là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi, doanh nghiệp cần cân nhắc, chủ động theo tín hiệu từ thị trường.

Theo ngành chuyên môn tỉnh Kiên Giang, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh ở miền Tây được khống chế tốt và giá lợn hơi tăng cao trong khoảng 2 tháng trở lại đây chính là điều kiện tốt để người chăn nuôi trong tỉnh đẩy mạnh tái đàn, thúc đẩy nghề chăn nuôi lợn phát triển.

 

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tái đàn trong khi tình hình dịch bệnh gia súc ở một số tỉnh, thành trong cả nước còn diễn biến phức tạp sẽ là nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn. Vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh được tỉnh tăng cường nhằm hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Thận trọng khi tái đàn

Ghi nhận của phóng viên tại huyện Giồng Riềng, Gò Quao và huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho thấy sự phấn khởi của người nuôi lợn  trước tình hình giá lợn tăng dần và đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Nhiều gia đình đã và đang có kế hoạch tăng số lượng thả nuôi lợn với mong muốn “trúng giá”, tuy nhiên người chăn nuôi cũng khá thận trọng trong việc tái đàn để tránh bị thua lỗ.

Bà Thị Sơn, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng cho biết, đến nay gia đình gắn bó hơn 30 năm với nghề nuôi lợn và thường duy trì từ 5-7 con lợn nái để sinh sản lợn giống phục vụ cho việc chăn nuôi và trung bình mỗi năm bà xuất bán khoảng 200 con lợn thịt. Gần đây nhất, vào tháng 3/2024, bà Sơn xuất bán 20 con lợn thịt, giá 60.000 đồng/kg. Do áp dụng biện pháp chăn nuôi an tiết kiệm (cho ăn xen kẽ thức ăn và chuối cây trộn cám) nên sau khi trừ chi phí, bà Sơn lời hơn 3 triệu đồng/con.

Bà Sơn cũng chia sẻ, để lợn được khỏe mạnh trong quá trình nuôi, và cho tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin. Những lúc thời tiết thay đổi như nắng nóng, mưa lạnh nhiều ngày bà thường bổ sung thêm vitamin cho lợn để tăng sức đề kháng. Đồng thời, vệ sinh sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần, che chắn kỹ lưỡng đảm bảo cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, sạch sẽ.

“Tôi 68 tuổi rồi và gia đình sống chủ yếu nhờ vào nghề nuôi lợn. Vì vậy, giá lợn hơi tăng lên gia đình tôi rất phấn khởi. Sắp tới đây, tôi sẽ tăng số lượng nuôi lên khoảng 60 con lợn giống để mong mang về nguồn thu nhập khá, bù đắp lại những năm trước bị bệnh lợn Châu Phi phải tiêu hủy mấy tấn, thua lỗ hàng chục triệu đồng. Tôi mong ngành chuyên môn kiểm soát tốt dịch bệnh và phía gia đình tôi cũng tuân thủ nghiêm việc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại để cho đàn lợn phát triển tốt”, bà Sơn nói.

Là hộ có quy mô nuôi lợn nái và lợn thịt theo hình thức gia trại lớn ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao, bà Lái Thị Tật cho biết, gia đình thường duy trì nuôi trên dưới 20 con lợn thịt và 6 - 8 con lợn sinh sản để vừa bán con giống vừa để nuôi tại nhà. Khoảng 2 năm qua, giá lợn hơi khá thấp, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Riêng từ tháng cuối tháng 4/2024 đến nay giá lợn hơi tăng dần và hiện đang ở mức 68.000 -70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Bà Thị Mỹ Thanh, xã Thạnh Bình chia sẻ, bên cạnh công việc chính là cho thuê rạp cưới, vợ chồng bà nấu rượu nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Hiện tại, gia đình đang thả nuôi 6 con lợn thịt, trọng lượng khoảng 70 kg mỗi con và dự tính khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán. Theo bà Thanh, nhờ nấu rượu để lấy hèm nuôi lợn, giảm được chi phí nên thường có lời nhiều hơn so với những người nuôi cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn.

“Tôi mong đến khi bán đàn lợn này không bị sụt giá để có lời nhiều. Thấy giá lợn đang cao nên tôi dự tính vài ngày nữa đi mua từ 6 - 8 con lợn giống về thả nuôi nối đuôi để khi bán lứa lợn hiện tại có đàn lợn kế cận với hi vọng sẽ trúng giá sắp tới. Ban đầu tôi cũng dự tính sẽ bắt giống về nuôi vài chục con, nhưng suy nghĩ lại thấy lo, bởi cũng sẽ có nhiều người thấy giá lợn tăng cao rồi nuôi nhiều thêm và sẽ gặp phải tình trạng “dồn hàng ế chợ”, rớt giá. Vì vậy, tôi quyết định chỉ mua nuôi nhiều hơn 2 so với trước đây”, bà Thanh cho biết thêm.

Tăng cường quản lý trong chăn nuôi

Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao nhận định, hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đều đầu tư chuồng trại rất chất lượng. Cùng với đó, người chăn nuôi cũng chọn lựa mua con giống kỹ lưỡng, có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Nhờ đó, góp phần cùng địa phương phòng ngừa tốt dịch bệnh trên đàn lợn nói riêng, gia súc gia cầm nói chung nên người dân có thể yên tâm tái đàn.

“Giá lợn hơi tăng là một trong những tín hiệu tích cực, tạo đà cho ngành chăn nuôi của địa phương phục hồi phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi, doanh nghiệp cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường; đồng thời, chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi”, ông Duyệt cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được phục hồi và phát triển tốt, đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi heo theo hướng gia trại. Tính đến cuối tháng 5 năm 2024, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 214.000 con, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 55% kế hoạch chăn nuôi năm 2024.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, giá lợn hơi tại tỉnh trong 2 tuần qua có xu hướng tăng mạnh và có lúc thương lái mua giá 68.000 - 69.000 đồng/kg, tăng khoảng 13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023. Từ tín hiệu lạc quan này, nhiều chăn nuôi trong tỉnh sẽ đẩy mạnh tái đàn lợn, phục hồi chăn nuôi.

Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng còn xảy ra ở một số tỉnh thành trong cả nước và diễn biến khá phức tạp nên các mặt công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn lợn nói riêng, gia súc gia cầm nói chung được ngành đặc biệt quan tâm.

Theo đó, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thống kê đàn lợn nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung; thực hiện công tác tiêm phòng miễn phí một số bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh; đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm xuất, nhập tỉnh (trên địa bàn giáp ranh), kiểm soát giết mổ, thường xuyên tiến hành vệ sinh tiêu độc khu vực các lò giết mổ.

“Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vận chuyển trái phép không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giết mổ không đúng nơi quy định và kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp vi phạm để hạn chế tối đa việc xảy ra dịch bệnh trên các đàn vật nuôi”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục