Giá máy bay chưa "hạ nhiệt", ngành đường sắt tìm cơ hội "hút" khách

19:05' - 09/05/2024
BNEWS Trước tình hình giá máy bay chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", ngành đường sắt tìm cơ hội "hút" khách thông qua việc đa dạng hóa các hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Theo đó, ngành đường sắt tổ chức dịch vụ thuê nguyên chuyến tàu hỏa (chạy chuyến tàu charter) với lịch trình, các hoạt động theo yêu cầu đặt hàng hành khách trên tất cả tuyến đường sắt, cả tuyến hiện không tổ chức chạy tàu khách như Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên.

 

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết, trước đây các đoàn tàu charter cố định hành trình thường nhiều toa xe, khách hàng đặt phải có số lượng hành khách đông. Nay linh hoạt hơn, tàu từ 2-3 toa xe trở lên, cung chặng ngắn, dài, có thể vài chục km, có thể hơn 1.000 km, hoàn toàn theo nhu cầu của khách.

Nếu khách có nhu cầu, Haraco sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng... cung cấp dịch vụ trọn gói về du lịch, tham quan... tại các điểm đến tàu dừng.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt đang triển khai nhiều hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân; đồng thời, góp phần đa dạng dịch vụ và phát triển du lịch địa phương.

Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương chạy tàu đêm tuyến Đà Lạt – Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”.

 

Tuyến Đà Lạt – Trại Mát có chiều dài 6,7 km, là phần còn lại của tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km, nối Ninh Thuận với Lâm Đồng, được đưa vào khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng. Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan thành phố Đà Lạt.

Với hành trình chạy tàu khoảng 1 tiếng (30 phút chiều đi và 30 phút chiều về) và tốc độ chạy tàu chậm, nếu ban ngày, du khách có thể thoải mái thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt, vào ban đêm, vẻ đẹp của Đà Lạt lại vô cùng huyền ảo, khác lạ.

Trước đó, cuối tháng 3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Đà Nẵng khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi "Kết nối di sản miền Trung", cũng theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Cùng với việc chạy các chuyến tàu du lịch, ngành đường sắt đã đổi mới trang thiết bị và chất lượng phục vụ, dịch vụ trên tàu cũng như gia tăng các dịch vụ tại trên tàu và các điểm đến.

Như đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" gồm 5 toa xe ghế mềm điều hòa hiện đại và một toa xe sinh hoạt cộng đồng hứa hẹn sẽ là điểm check-in di động ấn tượng đối với du khách. Đoàn tàu cũng được trang bị wifi để phục vụ hành khách.

Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, ngành đường sắt bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách, hệ thống xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR và trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương…

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ra mắt đoàn tàu khách chất lượng cao SE21/SE22, với nhiều tính năng để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách hai thành phố lớn nhất cả nước là Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trên đoàn tàu này được lắp đặt wifi phục vụ hành khách miễn phí; các ghế trong toa xe ghế ngồi có thể xoay 180 độ nên hành khách có thể thoải mái tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp.

Toa xe phục vụ ăn uống được đặt tại vị trí giữa của đoàn tàu để thuận tiện cho hành khách 2 đầu có thể giảm bớt thời gian di chuyển và tạo không gian giao lưu, kết nối và sinh hoạt chung cho hành khách; thực đơn trên tàu phong phú với nhiều lựa chọn.

Đặc biệt, trên đoàn tàu SE21/22, lần đầu tiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng thực hiện việc nâng cấp, cải tạo mở rộng nhà vệ sinh từ 1 m lên 1,4 m. Nội thất toa xe được thay mới hoàn toàn. Ngoài các toa xe 4 giường, trên tàu còn bố trí 1 số khoang 2 giường phục vụ hành khách muốn có không gian riêng tư.

Theo Tổng giám đốc Hoàng Gia Khánh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới nâng cấp nhà ga, con tàu và phát triển các sản phẩm vận tải hướng tới mục tiêu mỗi hành trình đi tàu để du lịch, để trải nghiệm, con tàu là điểm “check-in di động”, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

Thời gian tới, để "hút" khách di chuyển qua đường sắt, ngành đường sắt tiếp tục bổ sung kế hoạch tàu; đồng thời. có nhiều chương trình khuyến mại để kích thích nhu cầu đi lại bằng tàu thời điểm này, như giảm giá, chiết khấu cho hành khách mua vé khứ hồi, mua vé tập thể, đoàn tập thể khi mua vé khứ hồi cũng được giảm giá sâu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục