Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể giảm

15:52' - 20/07/2022
BNEWS Từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ. Dự báo trong thời gian tới, giá một số nguyên liệu chính có thể giảm nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg, giảm 5,5%; khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg, giảm 0,4%; cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg, giảm 0,3%; riêng bã ngô (DDGS) vẫn giữ nguyên là 10.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, mới đây, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh tăng do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6/2022 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 13.000 đồng/kg (tăng 0,3%); thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt 13.350 đồng/kg (tăng 1,1%) và thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 13.800 đồng/kg (tăng 1,4%).

Nhìn lại trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Chăn nuôi cho biết, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng so với cùng kỳ 2021.

Cụ thể, giá trung bình nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô từ 6.617 đồng/kg lên 9.048 đồng/kg; khô đậu tương từ 13.091 đồng/kg lên 14.699 đồng/kg; bã ngô (DDGS) từ 8.848 đồng/kg lên 10.187 đồng/kg... Do đó, giá thức ăn chăn nuôi trung bình 6 tháng đầu năm cũng tăng khá so 6 tháng đầu năm 2021, như: thức ăn hỗn hợp lợn thịt vỗ béo từ 10.746 lên 12.648 đồng/kg; thức ăn hỗ hợp cho gà thịt lông màu từ 10.885  đồng/kg lên 12.497 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng từ 11.207 đồng/kg lên 13.193 đồng/kg...

Nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá bởi, giá nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới.  Dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn  chăn nuôi nhập khẩu (giảm nguồn cung, thiếu phương tiện vận chuyển).

Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sang kinh doanh nông sản, găm hàng, đẩy giá nông sản lên cao. Mỹ là một trong những nước có sản lượng ngô lớn đã tăng sản xuất cồn sinh học (Ethanol) từ ngô, làm giảm lượng ngô xuất khẩu. Đặc biệt giá xăng dầu tăng trong tháng 2/2022 vừa qua cũng đẩy giá ngô tăng cao.

Ngoài ra, một số nước sản xuất ngô, đậu tương lớn ở khu vực Nam Mỹ như Argentina, Brazil có sản lượng ngô và đỗ tương giảm do tình hình hạn hán. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng ngô của Argentina niên vụ 2021/2022 dự kiến giảm còn dưới 48 triệu tấn (trong khi theo tính toán trước đây là 54 triệu tấn), Brazil dưới 110 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 114 triệu tấn). 

Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Đến hết tháng 6/2022 cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thức ăn thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, ngô 3,7 triệu tấn, giảm khoảng 52,3% về số lượng và  14,71% về giá trị; khô dầu các loại 2,2 triệu tấn giảm 39,65% về số lượng và 25,5% về giá trị; DDGS 0,43 triệu tấn, giảm 39,8% về số lượng và 17,3% về giá trị; lúa mỳ 0,73 triệu tấn, giảm 3,7% về số lượng, tăng 24,26% về giá trị. 

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng đạt khoảng 10,5 triệu tấn tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho lợn (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng) tăng khoảng 13,2%, cho gia cầm (chiếm 40%) giảm khoảng 8,6%, loại khác (chiếm 5%) giảm khoảng 12,5%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục