Giá nhiều sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh, người nuôi phấn khởi

08:44' - 28/02/2025
BNEWS Từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá gia súc, gia cầm, thủy sản ở Kiên Giang tăng mạnh giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Trong đó, giá lợn hơi, lợn giống, trâu, bò, ba ba, cá lóc nuôi… có mức tăng giá khá cao, khoảng 20% so với cùng kỳ những năm trước.

 

Là một trong những hộ nuôi lợn theo hình thức gia trại có quy mô lớn ở xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, bà Thị Sơn cho biết vừa trúng giá đàn lợn hơi 12 con trong tuần qua với giá bán 7,8 triệu đồng/100kg. Theo bà Sơn, đây là mức giá bán lợn hơi cao nhất từ trước đến nay gia đình bà bán được và sau khi trừ chi phí lãi 3 triệu đồng/con.

“Lợn hơi tăng giá kéo theo giá lợn giống cũng tăng khoảng 300.000 đồng/con và hiện đang có giá 1,8 triệu đồng/con cỡ 12kg. Gia đình tôi duy trì nuôi thường xuyên từ 30-40 con lợn thịt, 6-7 con lợn nái để bán lợn giống với số lượng cung ứng khoảng 200 con mỗi năm. Với mức giá lợn hơi, lợn giống như hiện tại, người nuôi có lời khoảng 40%/giá bán ra. Tuy vậy, tôi vẫn không dám tăng thêm đàn vật nuôi nhằm đề phòng tình trạng giá tăng, người dân nuôi ồ ạt dễ xảy ra tình trạng rớt giá sắp tới”, bà Sơn chia sẻ.

Cùng với giá lợn, từ cuối tháng 12/2024 đến nay giá ba ba thịt ở Kiên Giang cũng tăng hơn 30.000 đồng/kg và duy trì mức giá 170.000 đồng/kg ba ba loại 1, 150.000 đồng/kg ba ba loại 2. Bà Thị Tuyền, ngụ xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng cho biết: Gia đình gắn bó 8 năm với loài vật nuôi này. Tùy theo tình hình nhu cầu của thị trường và giá ba ba thịt, bà Tuyền tăng giảm số lượng thả nuôi từ 4.000 - 6.000 con mỗi đợt. Riêng đợt nuôi gần đây nhất bà Tuyền thả 4.000 con giống và đến nay đã tuyển bán hơn 2.200 con, còn lại khoảng 1.000 đang tuyển bán dần khi ba ba đạt loại 1 và loại 2.

“Đợt ba ba thu hoạch gần đây do năm rồi lúc chuẩn bị thả giống giá ba ba thịt khá thấp, khoảng 130.000-140.000 đồng/kg”, nhận thấy nuôi có lời ít nên gia đình tôi giảm số lượng thả nuôi chỉ 4.000 con. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024 và đến nay giá tăng lên cũng thấy tiếc, nhưng cũng khá phấn khởi vì với giá bán cao như gần đây gia đình có lời khoảng 100 triệu đồng, cao hơn các đợt nuôi trước”, bà Tuyền chia sẻ thêm.

Bà Huỳnh Thị Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ nuôi lợn thịt và lợn nái theo hình thức gia trại, quy mô nuôi từ 10 đến dưới 100 con; ba ba có gần 20 hộ nuôi với số lượng khoảng 60.000 con. Để giúp cho mô hình chăn nuôi của người dân đạt hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế, đơn vị phối hợp với một số cơ quan tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách chọn con giống tốt, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn sinh học…

Huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là địa phương có số lượng đàn bò lớn nhất tỉnh, với hơn 5.000 con. Từ đầu tháng 1/2025 đến nay giá bò hơi và bê tăng lên làm cho người chăn nuôi phấn khởi. Ông Kim Biên, một trong những hộ nuôi nhiều bò ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành cho biết: 3 năm nay gia đình duy trì đàn bò từ 6-8 con. Gần đây nhất, giữa tháng 2/2025 xuất bán 2 con bò thịt với giá ước tính 120.000 đồng/kg bò hơi (trung bình mỗi con khoảng 200 kg, bán mão với giá 25 triệu đồng/con). So với năm 2024 giá bò hơi tăng khoảng 15.000 đồng/kg.

“Ở xã Phú Lợi đa số nông dân nuôi bò để tăng thêm nguồn thu nhập ngoài nghề trồng lúa 2 vụ/năm và phổ biến duy trì số lượng bò nuôi từ 2-4 con. Riêng gia đình tôi do ít đất ruộng nên nuôi nhiều bò hơn và đây là nguồn thu nhập chính. Tôi hi vọng giá bò hơi duy trì tương đối như hiện tại để người nuôi có lời khá và đời sống, kinh tế phát triển hơn”, ông Biên nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, tình hình chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh được phục hồi và phát triển tốt, đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại. Tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2025 tổng đàn lợn của tỉnh gần 250.000 con, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2024; đàn gia cầm hơn 5,7 triệu con (chủ yếu là đàn vịt, gà); bò hơn 10.000 con, đàn trâu khoảng 5.800 con.

“Lợn là vật nuôi chủ lực của tỉnh trong cơ cấu ngành chăn nuôi gia súc gia cầm. Giá lợn hơi nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung tăng cao thời gian gần đây là điều kiện tốt để người chăn nuôi trong tỉnh đẩy mạnh tái đàn, thúc đẩy nghề chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tái đàn trong khi tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm ở một số tỉnh, thành trong cả nước còn diễn biến phức tạp sẽ là nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên các đàn vật nuôi. Vì vậy, việc quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh được tỉnh tăng cường nhằm hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh trên địa bàn”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục