Gia tăng giá trị sản phẩm OCOP

18:18' - 19/09/2024
BNEWS Các sản phẩm OCOP cũng đã khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Ngày 19/9, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, hội đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - Nguyễn Hoài Dương cho biết, sau 6 năm triển khai, chương trình OCOP đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay, tỉnh đã công nhận 240 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. Các sản phẩm đạt OCOP 4 sao đều có tiềm năng hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia), tham gia vào thị trường quốc tế như cà phê, ca cao, mắc ca...

Các sản phẩm OCOP cũng đã khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Qua Chương trình OCOP, tỉnh đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Dương, qua triển khai cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Ngoài ra, quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh. Do đó, hội nghị là dịp để cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ sản xuất cập nhật những nội dung mới của chương trình OCOP, góp phần xây dựng chương trình đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tại hội nghị, đại biểu đã được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn - Cố vấn Quốc gia Chương trình OCOP truyền đạt một số chuyên đề về: lịch sử phát triển Chương trình OCOP; kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP của các địa phương; bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023 - 2025 tại tỉnh Đắk Lắk; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP… Bên cạnh đó, đại biểu đã tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP 4 sao của các địa phương bên lề hội nghị.

Bà Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung cho biết, đơn vị đang xuất khẩu chính ngạch 15,3 tấn yến sào/năm sang thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, công ty liên kết, tạo đầu ra ổn định cho hàng chục hộ nuôi yến trên địa bàn huyện Krông Pắc. Việc tham gia chương trình OCOP và có các sản phẩm đạt OCOP 3 sao, OCOP 4 sao giúp khách hàng tin tưởng sản phẩm của công ty nhiều hơn. Tuy nhiên, đơn vị mong muốn, các sở, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ, kết nối, quảng bá các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn Trương Ngọc Quang, thời gian qua, đơn vị không ngừng hỗ trợ nông dân phát triển diện tích, xây dựng chuỗi giá trị ca cao, đào tạo kỹ thuật về lên men sơ chế để tạo ra sản phẩm hạt ca cao chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu, chinh phục các thị trường khó tính. Để phát triển và hướng đến sản phẩm OCOP 5 sao, sau hội nghị, đơn vị tiếp tục cải thiện chất lượng mẫu mã bao bì, hình ảnh, cải thiện về sản phẩm, mục tiêu là thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong nhân dân, hướng người dân phát triển sản xuất theo định hướng kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đề nghị, các sở, ngành, hội đoàn thể, địa phương trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; xây dựng các điểm bán hàng OCOP; hỗ trợ xây dựng website bán hàng trực tuyến cho các cơ sở sản xuất.

Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới; khuyến khích các cơ sở mở rộng quy mô, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm.

Hiện nay, chương trình OCOP rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho chương trình, sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.  Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk công bố, trao Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023 cho 28 sản phẩm của 10 chủ thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục