Giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong ba năm

17:19' - 09/12/2023
BNEWS Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước và so với tháng 10/2023.
Giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong ba năm vào tháng 11/2023, trong khi đà sụt giảm giá sản xuất ngày càng mạnh, cho thấy áp lực giảm phát của nước này gia tăng do nhu cầu trong nước yếu dấy lên hoài nghi về triển vọng phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa được công bố hôm 9/12 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước và so với tháng 10/2023. Đây là mức giảm CPI theo năm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Con số này lớn hơn so với dự báo trung bình trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) là giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2022 và so với tháng trước.

Ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết dữ liệu này đáng báo động đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, đồng thời trích dẫn ba yếu tố chính đằng sau đà giảm này là giá năng lượng toàn cầu lao dốc, sự bùng nổ du lịch mùa Đông đang dịu xuống và tình trạng dư cung thường xuyên.

Ông Xu cho biết: “Áp lực giảm giá tại Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2024, khi chính quyền địa phương tiếp tục giảm đòn bẩy và do tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại”.

Lạm phát cơ bản của Trung Quốc, không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu, cũng chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với mức của tháng 10.

Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle, cho biết chỉ số CPI cơ bản yếu là cảnh báo về nhu cầu trì trệ kéo dài. Tuy nhiên, đây phải là ưu tiên chính sách của Trung Quốc nếu muốn mang lại tăng trưởng bền vững và cân bằng hơn.

Mặc dù giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước nguy cơ giảm phát trong những tháng gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng hồi tuần trước cho biết lạm phát dự kiến sẽ "tăng lên".

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 11 vừa qua cũng giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022, so với mức giảm 2,6% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ 14 liên tiếp và là tháng giảm nhanh nhất kể từ tháng 8/2023. Các nhà kinh tế đã dự đoán mức giảm của tháng 11 là 2,8%.

Nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều trở ngại trong năm nay, bao gồm nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng và nhu cầu ảm đạm trong và ngoài nước. Người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt đang thắt chặt hầu bao do lo ngại về những bất ổn trong quá trình phục hồi kinh tế khó đoán.

Hôm 5/12, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã đưa ra cảnh báo hạ mức xếp hạng tín dụng của Trung Quốc, cho rằng chi phí để hỗ trợ chính quyền các địa phương vượt qua khó khăn tài chính và giải cứu các công ty nhà nước cũng như để kiểm soát cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục