Giá tiêu tăng cao, doanh nghiệp mua bán dè dặt

17:52' - 11/06/2024
BNEWS Tiếp nối đà tăng cao từ đầu tháng 6 đến nay, ngày 11/6 giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Ở một số địa phương, giá tiêu giao dịch quanh mốc 168.000 – 170.000 đồng/kg, riêng tại Đắk Nông giá mua đã đạt mốc 171.000 đồng/kg..

Theo đó, giá tiêu tại Đắk Lắk được thu mua ở mức 170.000 đồng/kg, tăng 2.000 so với giá ngày hôm qua. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) hiện ở mức 168.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tại Đắk Nông ghi nhận ở mức giá kỷ lục 171.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.

 
Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giá tiêu cũng tăng thêm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu lên mức 169.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; tại Bình Phước, giá tiêu đạt mức 169.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu tăng liên tục xuất phát từ việc thiếu nguồn cung. Tại Việt Nam, quốc gia cung cấp tới 40% sản lượng và 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, diện tích hồ tiêu sụt giảm đáng kể sau nhiều năm giá hồ tiêu ở mức thấp. Ước tính sản lượng tiêu Việt Nam niên vụ 2024 chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm 2023.

Các quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanca… cũng đều bị sụt giảm sản lượng do tác động tiêu cực từ thời tiết.  Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới dự báo sản lượng tiêu toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 465.000 tấn, giảm 1,2% so với năm 2023; trong khi nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu dự kiến cần 529.000 tấn. Cung thấp hơn cầu là nguyên nhân khiến xu hướng giá tăng diễn ra tại tất cả các thị trường chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Ông Phan Văn Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh phân tích, giá tiêu liên tục tăng thời gian gần đây là kết quả của một chuỗi vấn đề từ những năm trước đó khi giá hồ tiêu giảm sâu. Năm 2015 khi giá hồ tiêu lập đỉnh ở mức 230.000 đồng/kg và được ví như “vàng đen”. Thời điểm đó, người người, nhà nhà tại các tỉnh Tây Nguyên đều trồng tiêu. Sản lượng tiêu của Việt Nam thời điểm đó lên đến 300.000 tấn/năm.

Tuy nhiên đến 2019 giá tiêu chỉ còn 36.000 đồng/kg, nông dân bỏ bê không chăm sóc hoặc chuyển đổi cây trồng khác. Sản lượng tiêu Việt Nam giảm dần đều và đến nay còn khoảng 160.000 – 170.000 tấn/năm. Trong khi đó, từ niên vụ 2023 hồ tiêu Brazil bị giảm sản lượng đáng kể do một loạt vườn tiêu bị chết khô vì hạn hán, nắng nóng. Nhờ đó, giá hồ tiêu năm 2023 phục hồi, quay về mốc 100.000 đồng/kg.

Thời gian gần đây, khi giá tiêu liên tục tăng, nông dân có tâm lý giữ hàng, hạn chế bán ra để nghe ngóng giá. Trong khi đó, người mua hàng muốn mua sớm để không bị đội giá cao. Thậm chí, khi vào vụ thu hoạch, giá tiêu không giảm nên các nhà mua hàng phải tiếp tục mua vào, cầu mua cao trong khi cung hạn chế khiến giá tiêu liên tục bị đẩy lên.

Theo ông Phan Văn Thông, năm 2024 nhiều mặt hàng nông sản từ cà phê, tiêu, gạo và hạt điều… đều tăng chóng mặt giúp nông dân được lợi. Với hồ tiêu, giá có thể tiếp tục tăng nhưng nông dân cũng cần nhìn lại bài học của nhiều năm trước là không nên tìm mọi cách tăng mạnh sản lượng vượt nhu cầu khiến giá giảm sâu. Khi giá tiêu lên cao quá thì doanh nghiệp kinh doanh cũng phải tỉnh táo để lường trước khả năng giảm giá lớn trong tương lai, từ đó có cách điều hành phù hợp, tránh bị thua lỗ.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu khác cho biết: Giá hồ tiêu tăng liên tục mỗi ngày vài ngàn đồng khiến doanh nghiệp gặp khó khi mua vào bán ra. Với các đơn hàng xuất khẩu ký kết giá cũ, hiện doanh nghiệp phải mua hàng bù lỗ để kịp giao đúng hạn. Việc nhập khẩu tiêu từ Brazil phục vụ chế biến, xuất khẩu cũng chậm lại do thông thường giá tiêu Brazil thấp hơn Việt Nam nhưng hiện tại đang cao hơn Việt Nam.

Thêm vào đó, giá cước vận chuyển đường biển tăng liên tục do ảnh hưởng xung đột ở các khu vực khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu càng khó cân đối chi phí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục