Giá trái cây giảm mạnh 40-50%, nhiều nhà vườn ở Trà Vinh thua lỗ nặng

12:56' - 07/12/2021
BNEWS Trước khó khăn về giá cả, đầu ra thị trường, nhiều nhà vườn ở Trà Vinh chỉ còn biết trông chờ vào việc kết nối với các hợp tác xã tìm nguồn tiêu thụ trái cây giá tốt hơn từ các chủ vựa lớn ngoài tỉnh.

Hàng nghìn nhà vườn ở các huyện trong tỉnh Trà Vinh, như: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần đang thua lỗ nặng khi bước vào vụ thu hoạch xoài, càm sành, bưởi, do giá giảm từ 40 – 50%, nhưng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Nhà vườn Nguyễn Văn Bé, ở xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè cho biết, vườn xoài Cát Chu 0,2 ha của gia đình ông Vừa mới thu hoạch đợt đầu hơn 05 tấn trái, nhưng giá thương lái mua vào xoài loại I chỉ 15.000 đồng/kg, giảm 13.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2020.

Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp như phân bón tăng khoảng 450.000 đồng/bao kể từ tháng 10 năm 2021 đến nay. Với giá xoài và giá vật tư nông nghiệp như hiện tại, bình quân một ha xoài nhà vườn thua lỗ từ khoảng 70 triệu đồng.

Cùng với xoài, những nhà vườn chuyên trồng cam sành, quít đường năm nay cũng chịu thua lỗ nặng từ 90 – 100 triệu đồng/ha, do giá cam sành  giảm mạnh từ tháng 8 ở mức 25.000 đồng/kg, xuống còn 8.000 đồng/kg ở thời điểm hiện nay; quít đường từ 35.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000 – 18.000 đồng/kg.

Nhà vườn Tô Văn Nghĩa, ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết, bình quân trồng một ha cây cam sành từ 3 năm tuổi trở lên cho năng suất trái khoảng 110 tấn/ha. Hai năm qua, giá cam bàn ra tuy có dao động nhưng bình quân ở mức thấp nhất 18.000 - 20.000 đồng/kg nhà vườn đều có lời. Nhưng với giá cam như hiện thời, chỉ tính về chi phí chăm sóc nhà vườn trồng cam đã thua lỗ nặng.

Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, với hơn 8.000 ha; trong đó, diện tích trồng cam chiếm hơn 2.000 ha, cho sản lượng bình quân khoảng 70.000 tấn/năm; diện tích bưởi hơn 350 ha, cho sản lượng khoảng 3.400 tấn/năm; diện tích vườn xoài gần 740 ha, cho sả lượng gần 1.500 tấn/năm.

Trước tình hình khó khăn về giá cả, đầu ra thị trường, nhiều nhà vườn ở Trà Vinh chỉ còn biết trông chờ vào việc kết nối cùng các hợp tác xã tìm nguồn tiêu thụ trái cây với giá tốt hơn từ các chủ vựa lớn ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nhà vườn cố gắng giữ lại lượng trái cây cuối vụ phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán, với hy vọng giá trái cây tăng hơn để giảm bớt mức thua lỗ./.

>>>Cam Vinh mất giá, nỗi lo được báo trước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục