Xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao

17:07' - 06/12/2021
BNEWS Đến năm 2035, Đắk Nông phấn đấu xây dựng được 17 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 15.000 ha.
Huyện Đắk Mil là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Nông. Gắn bó với cây cà phê lâu năm, người dân nơi đây từng bước áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng. Vượt qua nhiều khó khăn, nông dân Đắk Mil từng bước nâng cao vị thế, xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao tại địa phương.

*Ứng dụng công nghệ cao

Gia đình ông Nguyễn Quốc Tráng tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil có 6 ha cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch. Mùa vụ 2021, dự kiến năng suất của gia đình ông đạt từ 4-5 tấn/ha tăng hơn từ 3-4 tạ/ha so với năm ngoái (năng suất cà phê tỉnh Đắk Nông bình quân khoảng hơn 2,5 tấn/ha).

Năm nay, giá cà phê tăng cao, đạt từ 40.000-41.000/kg, trừ chi phí gia đình ông Tráng thu về khoảng 70 triệu đồng/ha. Ông Tráng cho biết, nhiều năm nay gia đình ông sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao.

“Cà phê phải đạt tiêu chuẩn quả chín từ 80-90% thì mới thu hoạch. Để sản phẩm chất lượng cà phê phải phơi, sấy theo đúng kỹ thuật” ông Tráng chia sẻ.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An tại xã Thuận An được thành lập từ năm 2012. Sau hơn 9 năm hoạt động, đến nay, hợp tác xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu gần 300 ha với 116 thành viên sản xuất và chế biến cà phê theo tiêu chuẩn Fair trade (chứng chỉ do Hiệp hội Thương mại công bằng Fair trade của thế giới cấp) và tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững), đạt sản lượng trên 1.000 tấn/năm.

Nói về việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế, ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An cho biết, để cà phê đạt chất lượng, người dân cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng một số chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng cường sử dụng phân vi sinh, hạn chế dư lượng phân hóa học.

“Nhu cầu của người tiêu dùng bây giờ rất cao, người dân uống cà phê nguyên chất. Nguyên chất đòi hỏi cà phê phải chín mới thơm ngon. Cà phê hợp tác xã đang bán với giá khoảng 60.000 đồng/kg cà phê nhân” ông Hạ chia sẻ.

Tháng 9/2021, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An. Đây là vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông, là 1 trong số 4 vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Cà phê Thuận An được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, sản phẩm.

Ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, việc công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao là tiền đề quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương. UBND xã đang hướng dẫn các hộ dân trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ để xây dựng cà phê thành đặc sản của địa phương.

“Chúng tôi đang xây dựng hoàn thiện khu ứng dụng công nghệ cao cà phê Thuận An để nhân rộng mô hình ra các vùng khác. Về cơ sở hạ tầng trong khu ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi sẽ hoàn thiện một số cái để đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu” ông Dũng cho biết.

*Phát triển cà phê đặc sản

Đắk Mil là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Nông với hơn 21.000 ha, trong đó hơn 1.400 ha sản xuất theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fair trade… Địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp để phát triển cây cà phê. Cà phê sản xuất ở đây có mùi vị đặc trưng, đậm đà.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường, người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Cà phê được người dân thu hái khi đã chín trên 85%. Nhờ áp dụng công nghệ cao nên năng suất bình quân của cà phê cao hơn cà phê thông thường từ 10 - 30%.

Cũng theo ông Hoàng, hiện nay nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã có những thay đổi về cách sản xuất, vận hành phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Người dân luôn đồng hành cùng huyện trong việc đưa sản phẩm cà phê của địa phương lên cao hơn, nâng tầm quốc gia Việt Nam về cà phê. Năm 2018, huyện Đắk Mil đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cà phê Đắk Mil”.

Việc công nhận vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An là kết quả bước đầu. Huyện sẽ tiếp tục củng cố các tiêu chí với mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm cà phê đặc sản, từng bước tạo thương hiệu cà phê Đắk Mil. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư về kỹ thuật canh tác, giống, công nghệ cho người dân…; trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công nghệ chế biến sâu.

“Tại Đắk Mil sản lượng chế biến sâu hiện nay còn khiêm tốn, sản lượng cà phê còn xuất thô, việc khai thác tiềm năng để nâng cao giá trị còn hạn chế... Trong thời gian tới, huyện chú trọng công nghệ chế biến sâu gắn chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng nông sản, mang lại thu nhập cho người dân” ông Hoàng chia sẻ.

Đắk Nông hiện có diện tích cà phê đứng thứ 3 ở khu vực Tây Nguyên với hơn 130.000 ha, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn. Sản phẩm cà phê chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Do đó, việc nâng cao giá trị sản phẩm cà phê là khâu rất quan trọng.

Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một ưu tiên của tỉnh Đắk Nông theo Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Đến năm 2035, Đắk Nông phấn đấu xây dựng được 17 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 15.000 ha. Trước những kết quả bước đầu, là sự đồng hành của người dân cùng chính quyền trong việc đưa cà phê thành sản phẩm chủ lực của địa phương hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục