Giá vàng có thể duy trì đà phục hồi trong dài hạn

14:28' - 03/07/2021
BNEWS Tuần qua, giá vàng trong nước chứng kiến nhiều phiên giằng co quanh mức 57 triệu đồng/lượng.

Trong khi giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc về tốc độ gia tăng đột biến của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm. Các chuyên gia nhận định, giá vàng nhờ đó sẽ duy trì đà phục hồi trong dài hạn.

Tính chung trong tuần qua, các doanh nghiệp vàng trong nước điều chỉnh giá vàng SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng.

Chốt phiên cuối tuần 3/7, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,6 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tiếp tục tăng 50 nghìn đồng/lượng ở bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, đầu tuần 28/6, giá vàng trong nước không đổi so với chốt phiên cuối tuần trước, giao dịch ổn định trên mức 57 triệu đồng/lượng.

Sang sáng 29/6 - 1/7, giá vàng trong nước biến động trái chiều và đã rời mức 57 triệu đồng/lượng. Đến sáng 2/7, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng giá vàng với mức tăng 50 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của kim loại quý nối dài nhờ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm và chỉ số giá đồng USD giảm.

Cụ thể, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 tăng 0,4% và khép lại phiên giao dịch 2/7 ở mức 1.783,3 USD/ounce, là mức tăng cao nhất kể từ phiên 23/6. Như vậy, giá vàng có mức tăng khá khiêm tốn so với thời điểm đóng phiên cuối tuần trước ở mức 1.782,8 USD/ounce.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã "tăng tốc" trong tháng 6/2021, đặt ra những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã bớt căng thẳng khi các doanh nghiệp bắt đầu tăng lương và đưa ra các biện pháp khuyến khích để thu hút hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp.

Báo cáo việc làm tháng 6/2021 của Bộ Lao động Mỹ vừa được công bố ngày 2/7 cho thấy, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 850.000 việc làm mới trong tháng 6 vừa qua, so với mức tăng tương ứng 583.000 việc làm vào tháng 5.

Kết quả này tốt hơn dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones và MarketWatch khi cho rằng, nước Mỹ sẽ tạo thêm 706.000 việc làm trong tháng 6. Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tháng 6 vừa qua đã ghi nhận số vị trí việc làm còn trống ở mức cao kỷ lục 9,3 triệu.

Số liệu việc làm là một chỉ dấu quan trọng để nhà đầu tư tìm ra "manh mối" về hướng đi chính sách của Fed. Theo Raffi Boyadjian, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại Công ty phân tích XM, giá vàng được hưởng lợi khi tình trạng lây lan dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vốn đang cản trở sự phục hồi kinh tế ở một số quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm cũng góp phần hỗ trợ giá vàng.

Giá vàng đã chịu sức ép trước bình luận của các quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất vào năm 2023 cũng như bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, sức hấp dẫn của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát sẽ được duy trì khi đà tăng của lạm phát dự kiến có thể kéo dài lâu hơn.

Phillip Streible, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Công ty Môi giới Blue Line Futures (Mỹ) cho rằng, số liệu việc làm tích cực khó có thể khiến Fed vội vàng thu hẹp chương trình kích thích kinh tế, đặc biệt khi biến thể Delta khiến một số quốc gia ở châu Á và châu Âu tạm dừng kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại.

Đồng quan điểm này, Bart Melek, người đứng đầu Bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Công ty TD Securities đưa ra nhận định, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số khu vực tại Mỹ có thể thuyết phục một số nhà đầu tư rằng lập trường của Fed sẽ thận trọng hơn về vấn đề tăng lãi suất.

Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ vàng trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, giá vàng đang đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở khoảng 1.790 USD/ounce.

Về diễn biến giá vàng, phiên đầu tuần 28/6, giá vàng thế giới đi ngang, thị trường không có nhiều biến động khi nhà đầu tư vẫn bối rối về triển vọng chính sách của Fed.

Giá vàng giao ngay trong phiên 29/6 có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4/2021 do đồng USD mạnh lên, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Kết thúc phiên 30/6, giá vàng nhích lên, song kim loại quý này vẫn để mất hơn 7% trong tháng Sáu trước những lo ngại về khả năng Fed thay đổi chính sách tiền tệ.

Mức giảm trong tháng 6 đã khích lệ hoạt động mua vào trong phiên 1/7; tuy nhiên, đà tăng của giá vàng bị giới hạn bởi tâm lý thận trọng trước số liệu việc làm sắp được công bố của Mỹ và đồng USD mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục