Giá vàng SJC, DOJI, PNJ, 9999 hôm nay 12/8 cập nhật mới nhất

05:00' - 12/08/2024
BNEWS BNEWS/TTXVN liên tục cập nhật giá vàng thế giới, giá vàng trong nước các thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long, vàng SJC, vàng DOJI, vàng PNJ, vàng 9999, vàng 24K, vàng 18K...

Bảng giá vàng 9999, 24K, 18K, 14K, 10K, vàng SJC, DOJI, PNJ hôm nay 12/8 tăng hay giảm? Giá vàng hôm nay 12/8 bao nhiêu một lượng?

 

Dưới đây là bảng giá vàng hôm nay được cập nhật mới nhất từ Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu:

Trong tuần, giá vàng miếng giảm khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá và theo đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng với vàng thế giới chỉ ở mức 2 – 3 triệu đồng/lượng. Với khả năng tăng của giá vàng thế giới hiện nay, nhiều chuyên gia phân tích nhận định: Giá vàng miếng trong nước được dự đoán sẽ khó giảm thêm và cơ hội tăng giá trở lại là rất cao.

Thị trường chứng khoán trong nước cũng đang hồi phục yếu; trong khi, tình hình bất động sản chưa nhiều khởi sắc, tỷ giá USD/VND cũng giảm...; đây là loạt cơ sở để giá vàng miếng sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Giá vàng tại các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hay Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu hiện nay đều ấn định chung mức giá bán ra là 78,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, mức giá mua vào tại SJC và DOJI đang được niêm yết là 76,5 triệu đồng/lượng thì tại Bảo Tín Minh Châu và Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Quý ấn định giá vàng mua vào là 76,6 triệu đồng/lượng.

So với ngày đầu tuần, giá vàng đã giảm 1,8 triệu đồng/lượng mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng bán ra tại cả 4 doanh nghiệp là SJC, Bảo Tín Minh Châu, DOJI và Phú Quý.

Đi vào phân tích xu hướng giảm giá của vàng trong nước và thế giới, ông Trương Vy Tuấn, Chuyên gia Giavang.net cho hay, trong tuần tới từ ngày 12 - 18/8 sẽ có dữ liệu lạm phát tháng 7 của Hoa Kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến sẽ tăng 0,2% theo tháng và CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng được dự báo sẽ tăng 0,2% trong cùng kỳ. Trên cơ sở hàng năm, lạm phát CPI toàn diện dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống 2,9% từ mức 3% vào tháng 6.

Công cụ FedWatch của CME cho thấy thị trường đang định giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 9 là hơn 50%.

Trong trường hợp CPI lõi hàng tháng tăng cao hơn dự báo, các nhà đầu tư có thể đánh giá lại khả năng cắt giảm 50 bps vào tháng 9 và hỗ trợ tức thì đồng USD, gây áp lực lên vàng. Mặt khác, nếu CPI lõi bằng hoặc thấp hơn kỳ vọng của thị trường thì USD sẽ giảm, mở ra cánh cửa cho một đợt tăng giá khác của vàng (XAU/USD).

Vào thứ Năm tới tức là ngày 15/8, Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ sẽ công bố dữ liệu Doanh số Bán lẻ tháng 7. Nếu không có thêm điều gì thay đổi thì doanh số bán lẻ được dự báo sẽ tăng 0,3% theo tháng. Mặc dù dữ liệu này thường bị các nhà đầu tư bỏ qua, nhưng nếu số liệu thực tế khác xá so với sự đồng thuận của thị trường có thể tác động đến định giá của USD trong thời gian tới.

Nếu hoạt động bán lẻ tốt hơn đáng kể có thể làm dịu đi mối lo ngại về suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ và gây áp lực lên vàng (XAU/USD) do USD tăng giá. Ngược lại, tình hình bán lẻ yếu đi tại nền kinh tế hàng đầu thế giới là động lực cho vàng.

Bên cạnh các dữ liệu kinh tế, những người tham gia thị trường sẽ tiếp tục chú ý đến các tin tức xung quanh cuộc xung đột Iran-Israel. Về cơ bản, Vàng vẫn luôn là một trong những tài sản được tìm đến khi căng thẳng địa chính trị leo thang.

Tuy nhiên, diễn biến giá vàng tuần này 5 -9/8 cho thấy các yếu tố khác đã khiến mối tương quan liên thị trường truyền thống suy yếu. Do đó, việc đặt cược vào đợt tăng giá của Vàng có thể là rủi ro ngay cả khi những diễn biến của tuần tới chỉ ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn ở Trung Đông.

Nếu xét kịch bản vàng thế giới tăng giá, vùng từ 2.470 - 2.480 USD/ounce sẽ là vùng kháng cự đầu tiên trước mức tâm lý 2.500 USD/ounce. Nếu giá vượt 2.500 USD/ounce thì khả năng có thể tăng giá tiếp lên mức 2.580 USD/ounce sẽ là rất cao. Tuy nhiên, trong trường hợp giảm giá, có thể giá vàng thế giới sẽ được hỗ trợ để nằm trong khu vực 2.410 - 2.400 USD/ounce; thậm chí là thấp hơn trong mức từ 2.370  - 2.350 USD/ounce.

Cho dù, giá vàng thế giới sẽ điều chỉnh thế nào trong biên độ có thể dự đoán thì với khả năng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước thì giá vàng miếng trong nước chắc chắn sẽ không điều chỉnh nhiều. Tuy nhiên, thị trường vàng nhẫn có thể sẽ tiếp tục phản ánh sự dao động của thị trường thế giới và chủ yếu sẽ theo hướng là giảm ít nhưng tăng giá sẽ nhiều hơn.

Giá vàng nhẫn sẽ nhạy cảm hơn với đà tăng của vàng ngoại nhưng thường "thờ ơ" với bước điều chỉnh của thị trường vàng thế giới. Với kì vọng giá vàng cuối năm vượt vùng 2.500 USD/ounce, giá vàng nhẫn được dự báo tiếp tục ở trạng thái tích cực và mục tiêu đầu tiên là lấy lại mốc 78 – 79 triệu đồng/lượng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục