Giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng khiêm tốn

10:52' - 19/10/2019
BNEWS Giá vàng thế giới biến động rất ít trong phiên 18/10 và tính chung cả tuần tăng khá khiêm tốn, khi những lo ngại về tranh chấp thương mại và khả năng xảy ra một Brexit không thỏa thuận vẫn khá lớn.
Giá vàng thế giới tuần qua biến động trong biên độ hẹp. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, giá vàng giao ngay hầu như không đổi ở mức 1.490,70 USD/ounce vào lúc 0 giờ 32 phút (ngày 19/10 theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% và chốt phiên ở mức 1.494,10 USD/ounce.

Yếu tố chi phối chính cho giá vàng trong phiên này là việc dù Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận Brexit mới vào thứ Năm (17/10), nhưng liệu thỏa thuận đó có được Quốc hội Anh phê chuẩn vào ngày 19/10 hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ khiến thị trường tỏ ra cẩn trọng.

Trong hầu hết các phiên tuần này, giá vàng chủ yếu dao động trong một phạm vi tương đối hẹp. Tính chung trên cả tuần, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng khiêm tốn là 0,4% dù chỉ giảm điểm một phiên duy nhất vào ngày 16/10.

Trong phiên đó, giá vàng giao ngay tại Mỹ đã giảm 0,8% xuống còn 1.481,40 USD/ounce, còn giá vàng giao kỳ hạn cùng lùi 0,9% xuống 1.483,50 USD/ounce, chủ yếu vì thị trường chứng khoán mạnh lên khiến giới đầu tư quay sang các tài sản rủi ro hơn.

Ông Tai Wong, người đứng đầu mảng giao dịch phái sinh kim loại quý và kim loại cơ bản tại ngân hàng BMO, cho biết đồng USD yếu đi có thể đã hỗ trợ cho giá vàng phần nào. Nhưng nhiều khả năng giá vàng đã tìm được trạng thái cân bằng của mình cho đến khi một yếu tố vĩ mô mới xuất hiện.

Chuyên gia này nhận định phạm vi 1.380 - 1.400 USD/ounce là ngưỡng kháng cự dưới khá vững chắc cho vàng và mức 1.480 – 1.520 USD/ounce dường như là điểm cân bằng cho kim loại quý này.

Yếu tố khác cũng đang được thị trường để tâm là những phát biểu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo ông David Meger, người đứng đầu mảng giao dịch kim loại tại công ty High Ridge Futures, thị trường đang hy vọng sẽ xuất hiện những chỉ dấu nếu quan điểm cắt giảm lãi suất của Fed có bất kỳ thay đổi nào tại cuộc họp cuối tháng này.

Trong những ngày gần đây, đã có các cuộc thảo luận về việc Fed có thể tạm dừng việc hạ lãi suất. Một trong những dấu hiệu đó là việc Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan mới đây đã nói rằng Fed đang theo dõi các dấu hiệu cho thấy sự suy giảm thương mại toàn cầu đang có tác động lên nền kinh tế Mỹ vượt ra ngoài các lĩnh vực chế tạo và đầu tư. Nhưng ngân hàng trung ương này vẫn chưa tiến vào "chu kỳ cắt giảm lãi suất toàn diện".

Trong một dấu hiệu khác thể hiện tranh chấp thương mại đang kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế, số liệu thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III/2019 đã rơi xuống mức yếu nhất trong gần ba thập kỷ qua là 6%.

Các số liệu được công bố trong bối cảnh nhiều ý kiến lo ngại căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi xuống. Tuần trước, Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận hướng tới chấm dứt cuộc chiến thương mại. Hiện các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến soạn thảo văn bản thỏa thuận để lãnh đạo hai nước ký trong tháng tới.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc khi hai bên dự kiến mất một vài tuần trước khi ký kết thỏa thuận nói trên. Trong thời gian đó, Washington vẫn sẽ duy trì các mức thuế hiện nay đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, chiếm khoảng 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Mỹ.

>>Giá vàng châu Á giảm nhẹ do hoạt động bán ra chốt lời

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục