Giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong tuần qua

11:42' - 18/06/2022
BNEWS Đồng USD liên tục tăng cao đã đẩy giá vàng đi xuống trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu tiếp tục đưa ra những tín hiệu về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, bất chấp lo ngại về suy thoái xuất hiện.

Ngay trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 13-14/6), giá vàng liên tục trượt dốc khi đồng USD chạm mức cao nhất trong 20 năm, làm giảm sức hút của vàng với vai trò “kênh đầu tư an toàn” bởi các nhà đầu tư đang “đặt cược” vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất. Đồng USD mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

 
Vàng chạm đáy một tháng ở mức 1.824,63 USD/ounce vào cuối tuần trước, sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ khi những lo ngại về kinh tế toàn cầu. Xu hướng biến động manh kéo dài sang đầu tuần này.

Ngân hàng J.P. Morgan (Mỹ) cho biết, việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi vàng càng làm nổi bật "cuộc chiến giằng co" hiện tại giữa các yếu tố xác định giá của kim loại quý này.

Trong khi đó, Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Trong ngắn hạn, đây vẫn là một môi trường khó khăn đối với vàng, nhưng cuối cùng kim loại quý này sẽ tiếp tục vai trò trú ẩn an toàn, chỉ cần đồng USD ngừng tăng mạnh”.

Trong hai phiên giao dịch liền sau đó (15-16/6), giá vàng đảo chiều tăng nhẹ, sau khi Fed thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm giữa bối cảnh lạm phát tăng đột biến vào tháng Năm. Ngoài ra, giá vàng nhận được thêm sự hỗ trợ trong phiên 15/6 khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 0,3% trong tháng Năm, trái ngược với mức tăng 0,7% (sau điều chỉnh) của tháng Tư trước đó.

Gần đây vàng di chuyển song song với thị trường chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, trong phiên 16/6, giá vàng đã tăng bất chấp hoạt động bán tháo mạnh trên Phố Wall do lo ngại về suy thoái. Lạm phát và những bất ổn kinh tế thường hỗ trợ cho vàng, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) nói: “Cuộc chạy đua chống lạm phát thành công hay không thành công trước khi nền kinh tế bắt đầu tổn thương đã trở thành một chủ đề chính đang được các nhà hoạch định chính sách bàn thảo và sẽ quyết định hướng đi cuối cùng của vàng”.

Trong phiên giao dịch cuối tuần 17/6, giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống, dẫn tới mức giảm hơn 1% trong cả tuần qua.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao kỳ hạn giảm 0,5%, xuống 1.840,6 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao ngay cũng mất 1,1%, xuống 1.836,26 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD tăng cao hơn vào ngày 17/6, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng mạnh lên, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường của công ty quản lý tài sản toàn cầu Exinity (Vương quốc Anh), nhận định: “Khả năng diễn ra những đợt tăng lãi suất tiếp theo, sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tuần này, có thể kìm hãm đà tăng của vàng trong ngắn hạn”.

Diễn biến của giá vàng gần đây có mối liên hệ chặt chẽ với đồng USD và lợi suất trái phiếu, và theo các nhà phân tích, điều này đã xảy ra bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và Trung Quốc phong tỏa xã hội do đại dịch.

Trong khi đó, nhu cầu đối với vàng vật chất vẫn trầm lắng ở Trung Quốc- nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới - do các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19. Ông Tan nói: “Nếu tỷ lệ dự đoán về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng khi Fed tiếp tục tăng lãi suất nhằm “hạ nhiệt” lạm phát, điều đó có thể phục hồi nhu cầu của các nhà đầu tư đối với vàng như một nơi trú ẩn an toàn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục