Giá vàng thế giới tháng 7 tăng gần 3%

11:13' - 31/07/2021
BNEWS Mặc dù giảm giá trong phiên cuối cùng của tháng Bảy (30/7), giá kim loại quý này vẫn ghi nhận mức tăng gần 3% trong tháng này nhờ sức hấp dẫn như “hàng rào” chống lại lạm phát.

Tuần qua, thị trường giao dịch vàng tương đối trầm lắng trong hai phiên đầu tuần (26-27/7) trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mặc dù được hưởng lợi nhờ các yếu tố như đồng USD yếu và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm, biên độ tăng của giá vàng vẫn bị hạn chế bởi tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước thềm cuộc họp của Fed.

Sang đến phiên 28/7, giá vàng thế giới giảm nhẹ sau khi các quan chức Fed cho biết sự phục hồi kinh tế của Mỹ vẫn đi đúng hướng dù gia tăng số ca mắc COVID-19, đồng thời phát đi tín hiệu về những cuộc thảo luận xung quanh việc rút lại các chính sách kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, vàng chuyển động theo hướng đi lên trong phiên giao dịch 29/7, phản ứng tích cực với những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell về lo ngại những rủi ro mà biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế Mỹ.

Điều này có thể hạn chế sự phục hồi của thị trường lao động và khiến Fed sẽ không đẩy nhanh việc tăng lãi suất.

Lãi suất tăng cao ảnh hưởng bất lợi tới vàng vì làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này.

Đến phiên cuối tuần (30/7), giá vàng giảm do hoạt động chốt lời, với giá vàng kỳ hạn tại thị trường COMEX của Mỹ giảm 1% và khép lại phiên này ở mức 1.817,2 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng gần 0,9% trong tuần qua, và tiến thêm 2,6% trong tháng Bảy, theo số liệu của Dow Jones Market Data.

Thống kê mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/7 cho thấy chi tiêu tiêu dùng của nước này tăng cao hơn dự kiến trong tháng 6/2021 nhờ các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 mở rộng.

Tuy nhiên, một phần sự gia tăng chi tiêu cũng phản ánh tình hình giá tăng cao hơn, với lạm phát hàng năm vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - không bao gồm các giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động - tăng 0,4% trong tháng Sáu sau khi tiến 0,5% trong tháng Năm.

So với cùng kỳ năm 2020, PCE của Mỹ đã tăng 3,5% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1991 và vượt mức 3,4% của tháng Năm.

Michael Armbruster, đối tác quản lý tại công ty môi giới tài chính Altavest (Mỹ), nhận định rằng lạm phát gia tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn đang ở mức thấp, đồng USD yếu là những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Kim loại quý này vốn được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát.

Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với một giỏ gồm các đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,8% trong tuần vừa qua.

Theo nhà phân tích chiến lược đầu tư Raffi Boyadjian thuộc sàn giao dịch XM (Mỹ), giá vàng cố gắng duy trì mức tăng của phiên 30/7 xong quay đầu khi gặp ngưỡng kháng cự quanh mức 1.830 USD/ounce.

Nếu đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu trong những ngày tới và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn giảm, nhiều khả năng giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự này.

Chuyên gia Armbruster cho biết, hồi đầu tháng này, Altavest đã khuyến nghị nhà đầu tư mua vàng khi giá vàng giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế có nhiều yếu tố thuận lợi đối với kim loại quý này.

Giá vàng có thể tiến đến ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm nay, mức cao ghi nhận lần cuối cùng là tháng 8/2020.

Ngay cả khi diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp ở một số nước, các nhà phân tích của Altavest không quá đặt nặng yếu tố này khi nghiên cứu thị trường vàng.

Lý do là bởi số ca mắc COVID-19 dường như đã đạt đỉnh và số ca nhập viện và tử vong không tăng nhanh như các ca mắc mới.

Tuy nhiên, Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới ThinkMarkets (trụ sở ở Anh và Australia) cho rằng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch COVID-19 bởi nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn thì có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và chính sách của Fed.

Các nhà đầu tư đang theo dõi cách Fed cân bằng giữa việc lạm phát gia tăng và mối nguy đối với nền kinh tế ngày càng lớn từ đại dịch COVID-19, trước sự hoành hành của biến thể Delta.

Trong tuần tới, chuyên gia Razaqzada cho biết báo cáo về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ có thể là tâm điểm sự chú ý của các nhà giao dịch vàng, vì số liệu này có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed về lộ trình giảm dần chương trình nới lỏng định lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục