Giải bài toán đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu - Bài cuối: Những tín hiệu tích cực

12:59' - 11/07/2023
BNEWS Các chương trình xúc tiến xuất khẩu là hoạt động thiết thực trong hỗ trợ doanh nghiệp giao lưu, kết nối với khách hàng, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy sau đại dịch COVID-19.
Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thường xuyên tổ chức hội chợ triển lãm bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực khi thu hút được sự quan tâm của khách mua hàng quốc tế, giúp doanh nghiệp kết nối được nhiều đối tác tiềm năng.

Thu hút khách quốc tế

Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (Hawa Expo 2023) được tổ chức cuối tháng 2/2023 là hội chợ chuyên ngành đầu tiên do liên minh 5 hiệp hội lớn nhất cả nước (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định) đồng tổ chức, đánh dấu sự chuyển mình trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường của các doanh nghiệp ngành gỗ.

 
Ban tổ chức HawaExpo 2023 thông tin, hội chợ đã thu hút gần 2.700 khách quốc tế, đến từ 101 quốc gia tham quan, tìm kiếm sản phẩm cho mùa mua hàng năm 2023. Ngoài các khách hàng truyền thống từ EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã trở lại, hội chợ cũng thu hút đông đảo khách hàng ở các thị trường tiềm năng mới như Ấn Độ, Australia, Singapore, Thái Lan…

Đại diện một doanh nghiệp tham gia hội chợ Hawa Expo 2023 cho biết, chỉ sau 1 tuần kết thúc hội chợ, doanh nghiệp đã nhận được 70 lượt tương tác của khách hàng, đây là con số ấn tượng trong bối cảnh đơn hàng và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường khá ảm đạm từ nửa cuối năm 2022 đến nay.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mở rộng kết nối kinh doanh là cách tạo đà, lấy lại sức sản xuất cho doanh nghiệp tất cả các ngành nghề. Để tiếp thêm động lực tăng trưởng cho ngành, việc xúc tiến thương mại đã, đang và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, từ việc tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước đến việc sang nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm.

Ngay sau HawaExpo 2023, hiệp hội đã triển khai liên tiếp các hội thảo kết nối doanh nghiệp với các thương vụ và những nhà mua hàng đến từ những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông…Trong tháng 6/2023, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tiếp tục tham gia đoàn doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh sang Canada tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Một trong những hội chợ quốc tế giúp doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh gặt hái được nhiều thành công nhất từ đầu năm đến nay là Hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống Gulfood 2023 tại Trung tâm Thương mại Thế giới Dubai (Dubai World Trade Centre). Theo ITPC, chỉ trong 5 ngày diễn ra hội chợ, cụm gian hàng Tp. Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 450.000 lượt khách đến tham quan và tìm kiếm đối tác, đàm phán thương mại. Kết quả đã có 445 đơn hàng được ký kết ngay tại hội chợ và khoảng 310 giao dịch có tiềm năng ký hợp đồng trong tương lai gần.

Trong khi đó, Hội chợ xuất khẩu Tp. Hồ Chí Minh lần đầu được tổ chức trong tháng 6/2023 cũng đã thu hút khoảng 3.000 khách tham quan, bao gồm hơn 1.000 khách đến từ các quốc gia nhập khẩu trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và nhiều đại diện mua hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Đại diện Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là đưa kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng lên mức 15% tổng giá trị doanh thu vào năm 2027, tuy nhiên hiện nay con số này mới chỉ đạt khoảng 4%. Do đó, các chương trình xúc tiến xuất khẩu như HCM City Export 2023 là hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giao lưu, kết nối với khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy sau đại dịch COVID-19.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Các chương trình kết nối doanh nghiệp trực tiếp hay chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được tổ chức thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để biến cơ hội kết nối thành các hợp đồng thương mại cần sự nhạy bén và khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của từng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chánh Phương nhận định, suốt thời gian qua, dù lạm phát vẫn chưa thực sự được kìm chế nhưng tại các hội chợ quốc mà Việt Nam tổ chức, số lượng nhà mua hàng đến tham quan, kết nối không hề nhỏ. Dù kinh tế toàn cầu có sụt giảm thì nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp nội thất vẫn còn. Cơ hội tăng trưởng, phục hồi cho ngành rất lớn. Làm thế nào để tiếp cận được những khách hàng có nhu cầu chính là đòi hỏi quan trọng nhất hiện nay.

“Với những người làm xuất khẩu, “đi chợ” là cách tốt nhất để tìm kiếm đơn hàng. Từ hội chợ triển lãm hàng đầu thế giới như High Point Market, hội chợ Las Vegas của Mỹ, hội chợ của Canada đến hội chợ Dubai, Ấn Độ… tất cả các sự kiện kết nối giao thương này đều hàm chứa cơ hội trong đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết chủ động tiếp cận. Tất nhiên, việc tham gia các hội chợ sẽ không thể giải quyết ngay lập tức câu chuyện thiếu đơn hàng hiện nay của các doanh nghiệp nhưng nó là nền tảng tăng trưởng lâu dài”, ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.

Là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công vào thị trường Thái Lan thông quan các chương trình kết nối thương mại, bà Văn Thị Loan, Giám đốc Real Bean Coffee cho biết, để hấp dẫn được người tiêu dùng quốc tế, không chỉ cần sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng mà cần có cả câu chuyện sản phẩm thú vị, độc đáo. Ngoài ra, khách hàng hiện nay cũng rất ưu tiên các giá trị bền vững trong quá trình sản xuất như thân thiện môi trường, bao bì có thể tái chế được.

Theo bà Văn Thị Loan, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nếu tự đi một mình sẽ rất khó tiếp cận hệ thống thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối đa quốc gia. Do vậy việc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại sẽ là kênh tiếp thị khách hàng mục tiêu và mạng lưới thu mua rất hiệu quả.

Cùng quan điểm, ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Dừa nước Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu sản phẩm, thương hiệu đến khách hàng. Thông qua các hội chợ, triển lãm, công ty đã kết nối được với khá nhiều đơn vị nhập khẩu, phân phối tiềm năng và đang trao đổi cơ hội hợp tác.

“Là một doanh nghiệp khởi nghiệp với sản phẩm mới lạ, việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế là cơ hội tốt để chúng tôi giới thiệu sản phẩm của mình, đồng thời cũng cập nhật, nắm bắt được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để có sự điều chỉnh, phát triển sản phẩm một cách phù hợp. Việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại lớn cũng là một cách để doanh nghiệp chứng thực mức độ uy tín của mình, từ đó tạo niềm tin để đối tác thúc đẩy quá trình hợp tác”, ông Phan Minh Tiến chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục