Giải mã hiện tượng nóng lên của lợi suất trái phiếu chính phủ

05:30' - 21/01/2025
BNEWS Trong những ngày đầu năm 2025, sự gia tăng đột ngột và rõ rệt của lợi suất trái phiếu chính phủ trên ba thị trường lớn là Mỹ, Anh và Eurozone mang lại nhiều bất ngờ cho các thị trường tài chính.
 

Nhận định về hệ quả của việc tại Mỹ cũng như ở châu Âu lợi suất trái phiếu chính phủ đang tăng mạnh, nhật báo Le Monde của Pháp cảnh báo đây là chỉ dấu cho những bất ổn khi nước Mỹ chuẩn bị có sự thay đổi chính phủ, cùng với những nghi ngờ về lạm phát làm gia tăng bất ổn chính trị và ngân sách tại Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Trong những ngày đầu năm 2025, sự gia tăng đột ngột và rõ rệt của lợi suất trái phiếu chính phủ trên ba thị trường lớn là Mỹ, Anh và Khu vực đồng euro (Eurozone) đang mang lại nhiều bất ngờ cho các thị trường tài chính. Diễn biến này có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ vốn đã đầy thách thức của các ngân hàng trung ương và các chính phủ trong những tháng tới.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đạt 4,7%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023. Tại Pháp, lợi suất OAT (trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm) đã vượt ngưỡng 3,4%, cao hơn mức đỉnh đạt được vào tháng 7/2024, không lâu sau khi Quốc hội nước này bị giải tán. Tuy nhiên, căng thẳng lớn nhất lại diễn ra trên thị trường nợ công của Anh: lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại đây đã lên tới 4,82%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Điều này gợi lại những ký ức về cơn bão trái phiếu vào tháng 10/2022, khi những tuyên bố của chính phủ do cựu Thủ tướng Liz Truss điều hành về việc giảm thuế mà không tìm được nguồn tài trợ đã dẫn đến sự bất ổn nghiêm trọng và buộc bà Truss phải từ chức.

 

Các biến động hiện nay càng bất thường hơn khi các ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu một chu kỳ giảm lãi suất điều hành mới vào năm 2024. Ông Guillaume Rigeade, chuyên gia quản lý trái phiếu tại Carmignac, giải thích: “Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng mang tính toàn cầu, kết quả của nhiều yếu tố tích hợp lại”.

Hiệu ứng tiêu cực 

Yếu tố đầu tiên trong chuỗi các nguyên nhân là hiệu ứng tiêu cực từ việc ông Trump trở lại Nhà Trắng. Trên thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới, lợi suất trái phiếu tăng nhanh vào ngày 8/1 sau thông tin từ CNN rằng ông Trump sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia để đẩy nhanh việc tăng thuế nhập khẩu ngay khi nhậm chức. Sau những tín hiệu trấn an dành cho nhà đầu tư kể từ cuộc bầu cử ngày 5/11/2024, thông tin này đã khiến thị trường bất ngờ.

“Việc bổ nhiệm ông Scott Bessent vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, một người có uy tín và mong muốn giảm thâm hụt ngân sách, đã được coi là yếu tố cân bằng rủi ro từ những hứa hẹn gây lạm phát của ông Trump. Nhưng cuối cùng, người ta nhận ra rằng việc giảm mạnh thâm hụt là điều rất khó khăn. Thị trường đã bắt đầu phản ánh khó khăn này”, ông Guillaume Rigeade giải thích.

Bên cạnh các hiệu ứng tiêu cực, hàng loạt chỉ số kinh tế cho thấy tăng trưởng tại Mỹ vẫn ổn định. Ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong việc đưa lạm phát trở về mức mục tiêu. Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn do giá khí đốt tăng mạnh, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine.

“Lạm phát trong những năm gần đây chủ yếu xuất phát từ năng lượng, và đợt tăng giá khí đốt gần đây giải thích phần lớn sự gia tăng lãi suất ở châu Âu,” ông Nicolas Goetzmann, phụ trách nghiên cứu kinh tế tại Financière de la Cité, cho biết. Một số nhà đầu tư đã điều chỉnh lại dự báo giá cả. “Ngày càng nhiều người tin rằng lạm phát đang tăng. Và khi niềm tin này tăng, lạm phát có xu hướng đi lên”, ông Rigeade nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng sự tăng giá mạnh của đồng USD trong những tuần gần đây có nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề ở châu Âu.

Những biến động này sẽ khiến việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trở nên khó khăn hơn trong những tháng tới. Vào tháng 12/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm hai lần, mỗi lần 0,25%, trong năm 2025. Nhưng giờ đây, một số nhà đầu tư nghi ngờ khả năng Fed chỉ có thể thực hiện được một lần giảm. Ở khu vực đồng euro, trong khi những người lạc quan từng kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm 0,15 điểm phần trăm lãi suất chủ chốt, thì nay một số người nghi ngờ khả năng ECB sẽ chỉ giảm được 0,1 điểm phần trăm lãi suất trong năm nay.

Trong bối cảnh kinh tế và tiền tệ phức tạp, thâm hụt ngân sách của các quốc gia trở thành yếu tố quan trọng hơn cho quyết định của các nhà đầu tư. "Đối với những quốc gia nợ nhiều như Mỹ, một số quốc gia trong khu vực đồng euro và Vương quốc Anh, người ta sẽ phải đặt lại câu hỏi về khả năng bền vững của nợ công trong trung hạn”, ông Matthieu de Clermont, Giám đốc tại Allianz GI, nhận định.

Theo cách nói của thị trường, năm 2025 có khả năng là năm của "bond vigilantes" -  nghĩa đen là những “người bảo vệ nợ công” – những nhà đầu tư sẵn sàng trừng phạt bất kỳ hành vi tài chính nào bị coi là vô nguyên tắc, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị. "Nói cách khác, thiếu kỷ luật trong điều phối ngân sách sẽ phải trả giá," ông Rigeade tóm lược. Và cái giá đó có thể tăng nhanh chóng. 

Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Trách nhiệm Ngân sách (Office for Budget Responsibility), một tổ chức độc lập chuyên đưa ra các dự báo kinh tế, đã tính toán rằng việc tăng 1 điểm phần trăm trong lợi suất dài hạn sẽ làm tăng gánh nặng nợ công thêm hơn 10 tỷ GBP mỗi năm (12,17 tỷ USD/năm). Điều này tương đương với chi phí phát sinh hơn 10% so với tổng lãi suất phải trả trên nợ công của Anh, hiện ở mức gần 2.800 tỷ GBP.

Tại Pháp, theo ước tính của trang Fipeco vào tháng 4/2024, việc tăng lợi suất 1 điểm phần trăm sẽ khiến gánh nặng lãi suất nợ công tăng 2,6 tỷ euro (2,67 tỷ USD) trong năm đầu tiên, 6,6 tỷ euro vào năm thứ năm và 32,6 tỷ euro vào năm thứ mười. Điều này sẽ làm tăng thêm thách thức cho Bộ trưởng Kinh tế Eric Lombard dưới thời Tổng thống François Bayrou, trong việc hoàn thành dự thảo ngân sách mới trong những tuần tới.

Cái giá của nợ công

Dự thảo ngân sách tài chính (PLF) năm 2025 của chính phủ của cựu Thủ tướng Pháp Michel Barnier, được trình bày vào tháng 10/2024, dự báo rằng chi phí lãi suất nợ công sẽ đạt 54,9 tỷ euro vào năm 2025. Con số này có thể vượt 72 tỷ euro vào năm 2027, theo chương trình ổn định ngân sách 2024-2027.

Chi phí của nợ công được dự báo sẽ trở thành một trong những khoản chi lớn nhất của Nhà nước Pháp, mặc dù vẫn thấp hơn ngân sách quốc phòng (95,6 tỷ euro trong PLF 2025 ban đầu) và giáo dục quốc gia (87 tỷ euro).

Các quốc gia hiện vẫn không gặp khó khăn trong việc tìm người mua nợ của họ, bất chấp việc ECB đã rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, kết quả của những đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm nay tại Pháp, Bỉ và Italy cho thấy sự chênh lệch bất thường giữa tỷ lệ cung và cầu. "Điều này cho thấy thị trường đang cân nhắc các lựa chọn," ông de Clermont kết luận.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục