Giải mã thành công của Tesla trong một năm nhiều thử thách của ngành sản xuất ô tô

05:30' - 19/01/2022
BNEWS Sự chênh lệch đáng kinh ngạc về hiệu suất hoạt động của công ty sản xuất ô tô điện Tesla và các nhà sản xuất ô tô lâu đời khác đã phản ánh vai trò quan trọng của lĩnh vực công nghệ đối với ngành này.

Trong phần lớn năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô lâu đời của thế giới như General Motors (G.M.) và Ford Motor đã hoạt động trong một bối cảnh khác xa với Tesla

Trong khi G.M. và Ford buộc phải đóng cửa hết nhà máy này đến nhà máy khác - đôi khi trong nhiều tháng liên tục - vì thiếu linh kiện chip, khiến các đại lý luôn ở trong tình trạng trống rỗng và giá xe tăng vọt, thì Tesla lại đạt doanh số bán hàng cao kỷ lục từ quý này đến quý khác và kết thúc năm với số lượng xe bán ra cao gần gấp đôi so với năm 2020 và dường như không hề bị “chùn chân” bởi cuộc khủng hoảng toàn ngành.

* Chìa khóa đến từ khả năng tự cung tự cấp

Theo các chuyên gia, để có được thành công này là do Tesla có khả năng tự sản xuất các thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất xe điện. Điều đó cho thấy công ty này, và có thể là các doanh nghiệp ô tô điện non trẻ khác, có thể đe dọa sự thống trị của những “gã khổng lồ” như Volkswagen và G.M. sớm hơn và mạnh mẽ hơn những gì mà hầu hết các nhà điều hành và hoạch định chính sách trong ngành dự đoán.

Đây sẽ là một tín hiệu tích cực dành cho những nỗ lực của thế giới nhằm làm giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, khi kịch bản ô tô điện thay thế ô tô chạy bằng xăng hơn có thể đến sớm hơn bao giờ hết. 

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, diễn biến này có thể gây tổn hại cho hàng triệu công nhân, hàng nghìn nhà cung cấp và các chính quyền địa phương cũng như quốc gia vốn đang phụ thuộc vào ngành sản xuất ô tô truyền thống để tạo việc làm, kinh doanh và nguồn thu thuế.

Tesla và Giám đốc điều hành bí ẩn của công ty Elon Musk rất ít khi nói về cách họ thực hiện sản xuất. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là công ty này đang nắm quyền chỉ huy vượt trội về công nghệ cũng như chuỗi cung ứng của riêng mình. 

Với khả năng này, Tesla có thể dự báo nhu cầu tốt hơn so với các doanh nghiệp sản xuất ô tô khác, những hãng xe vốn bị động trước việc thị trường xe hơi phục hồi quá nhanh sau đợt giảm mạnh vào giai đoạn đầu đại dịch và họ đã không thể đặt mua chip và phụ tùng đủ nhanh để đáp ứng.

Trong khi đó, Tesla biết khó có thể mua được những con chip mình cần, nên họ đã sử dụng những con chip có sẵn và viết lại phần mềm, vận hành chúng sao cho phù hợp với nhu cầu. 

Đây là điều mà các công ty sản xuất ô tô lớn hơn không thể làm vì họ phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài trong các vấn đề liên quan đến phần mềm và chuyên môn sử dụng máy tính. Trong nhiều trường hợp, các nhà sản xuất ô tô cũng dựa vào những nhà cung cấp này để giao dịch với các nhà sản xuất chip. Khi khủng hoảng xảy ra, các nhà sản xuất ô tô không có khả năng thương lượng.

* Khi những “gã khổng lồ” phải sửa sai

Mới chỉ vài năm trước, các nhà phân tích coi việc ông Musk khăng khăng muốn Tesla tự túc trong nhiều công đoạn sản xuất hơn là một trong những lý do chính khiến công ty này gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng. Nhưng giờ đây, chiến lược của ông đã phần nào chứng minh được tính hiệu quả. 

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô ngày càng phụ thuộc vào kỹ thuật số. Vai trò của các phần mềm máy tính giờ đây quan trọng tương đương với các thiết bị động cơ và hộp số. Đó là một thực tế mà một số công ty sản xuất ô tô truyền thống buộc phải thừa nhận và chấp nhận sửa sai. 

Thành công của Tesla đã buộc các công ty xe hơi thừa nhận rằng họ cần phải làm một số điều mà ông Musk và Tesla đã và đang làm. Nhiều nhà sản xuất, bao gồm Ford và Mercedes-Benz, cho biết họ đang thuê các kỹ sư và lập trình viên trong những tháng gần đây để thiết kế chip cũng như viết phần mềm cho riêng họ.

Mercedes cũng có kế hoạch sử dụng ít chip chuyên dụng hơn trong các mẫu xe sắp được ra mắt, đồng thời sử dụng nhiều dụng cụ bán dẫn được chuẩn hoá hơn, Markus Schäfer, một thành viên trong ban quản lý của hãng sản xuất ô tô Đức, người giám sát việc mua sắm, cho biết.

Trong tương lai, Mercedes sẽ “đảm bảo công ty sở hữu các chip được tiêu chuẩn hóa, tùy chỉnh trên xe hơi chứ không phải là hàng nghìn con chip khác nhau nữa”, ông Schäfer cho biết trong một cuộc phỏng vấn. 

Morris Cohen, Giáo sư danh dự chuyên về sản xuất và hậu cần tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Tesla, được thành lập ở Thung lũng Silicon, chưa bao giờ thuê ngoài phần mềm của họ. Họ viết mã của riêng mình. Họ đã viết lại phần mềm để có thể thay thế chip thiếu hụt bằng chip có sẵn. Các hãng xe khác không thể làm điều đó”.

“Tesla đang kiểm soát vận mệnh của mình”, Giáo sư Cohen nói thêm.

Năm 2021, Tesla đã bán được 936.000 chiếc ô tô trên toàn cầu, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Ford, G.M. và Stellantis - công ty được thành lập từ sự hợp nhất của Fiat Chrysler và Peugeot - đều bán được ít xe hơn so với năm 2020.

Đo lường theo lượng xe được giao trên toàn cầu, Tesla đã vượt qua Volvo và Subaru vào năm 2021, và một số nhà phân tích dự đoán rằng hãng này có thể bán được 2 triệu xe trong năm nay, khi các nhà máy ở Berlin và Austin, Texas, đi vào hoạt động và một nhà máy ở Thượng Hải tăng cường sản xuất.

Điều đó sẽ đưa Tesla vào thế cạnh tranh với BMW và Mercedes - điều mà mới chỉ một vài năm trước đây, có rất ít người trong ngành nghĩ là sẽ thành hiện thực.

Tesla, vốn hiếm khi trả lời các câu hỏi từ các phóng viên, đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này. Công ty này rất ít khi công khai về cách họ tăng vọt hoạt động sản xuất trong một thị trường đi xuống.

“Chúng tôi đã sử dụng các bộ phận thay thế và phần mềm được lập trình để giảm thiểu những thách thức do sự thiếu hụt này gây ra”, Tesla cho biết trong báo cáo thu nhập quý III/2021 của công ty.

Điều này đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với Tesla so với thời điểm năm 2018, khi các vấn đề sản xuất và cung ứng của Tesla khiến công ty này trở thành “trò cười” trong ngành. Nhiều lỗi trong sản xuất bắt nguồn từ việc ông Musk khăng khăng rằng Tesla có khả năng tự sản xuất nhiều bộ phận.

* Một thị trường với tính cạnh tranh cao hơn

Khả năng tự cung tự cấp cũng là yếu tố giải thích tại sao Tesla tránh được tình trạng thiếu hụt pin, vốn đã hạn chế doanh số bán ô tô điện của những công ty như Ford và G.M. trong năm 2021. Vào năm 2014, khi hầu hết các hãng sản xuất ô tô vẫn đang tranh luận về việc liệu xe điện có bao giờ trở nên xứng tầm hay không, thì Tesla đã khởi công điều mà hãng này gọi là “gigafactory” bên ngoài thành phố Reno thuộc tiểu bang Nevada (Mỹ), để sản xuất pin với đối tác của mình là Panasonic. Bây giờ, nhà máy này đã giúp đảm bảo một nguồn cung cấp đáng tin cậy.

Ryan Melsert, cựu Giám đốc điều hành Tesla, người đã tham gia xây dựng nhà máy ở Nevada, cho biết: “Đó là một rủi ro lớn. Tuy nhiên, vì họ đã sớm đưa ra quyết định, họ có quyền kiểm soát số phận của chính mình hơn”.

Như Giáo sư Cohen ở Wharton đã chỉ ra, hướng tiếp cận của Tesla theo nhiều cách là đi ngược lại truyền thống của ngành ô tô, khi Ford sở hữu các nhà máy thép và đồn điền cao su của riêng mình. 

Trong những thập kỷ gần đây, người ta thường cho rằng các nhà sản xuất nên tập trung vào khâu thiết kế và lắp ráp cuối cùng và giao phần còn lại cho các nhà cung cấp. Kết quả là chiến lược này mặc dù đã giúp làm nhẹ gánh chi phí hoạt động của các công ty lớn, nhưng lại khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn chuỗi cung ứng.

Khi giải thích về thành công của Tesla, có một điều không thể phủ nhận là Tesla có lợi thế của một công ty có quy mô hoạt động nhỏ hơn nhiều so với Volkswagen và Toyota. Ông Melsert, hiện là Giám đốc điều hành của American Battery Technology Company, một công ty tái chế và khai thác, cho biết: “Đó là một chuỗi cung ứng nhỏ”.

Bên cạnh đó, dòng sản phẩm của Tesla cũng khiêm tốn hơn và dễ cung cấp hơn. Mẫu xe sedan Model 3 và xe thể thao đa dụng Model Y chiếm gần như toàn bộ doanh số của công ty vào năm 2021. Tesla cũng cung cấp ít tùy chọn hơn so với nhiều nhà sản xuất ô tô truyền thống, giúp đơn giản hóa quá trình sản xuất.

Phil Amsrud, chuyên gia phân tích chính cấp cao chuyên về chất bán dẫn ô tô tại hãng cung cấp thông tin IHS Markit, cho biết: “Đó là một cách tiếp cận hợp lý. Họ không cố gắng quản lý tất cả các cấu hình khác nhau”.

Phần mềm Tesla, có thể được cập nhật từ xa, được coi là phần mềm phức tạp nhất trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, song các nhà phân tích cho rằng ô tô của Tesla vẫn có thể sử dụng ít chip hơn vì công ty này kiểm soát được các chức năng như làm mát pin và lái xe tự động từ một số lượng nhỏ hơn các máy tính tập trung trên bo mạch.

“Xe điện Tesla vận hành theo cách ít phức tạp hơn”, ông Amsrud nói. Chuyên gia này cũng khẳng định rằng "càng ít thành phần càng tốt".

Tất nhiên, Tesla vẫn có thể gặp vấn đề khi cố gắng duy trì mức tăng trưởng đã đạt được vào năm 2021. Họ đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng khoảng 50% mỗi năm trong vài năm tới. 

Công ty này thừa nhận trong báo cáo quý III/2021 của mình rằng hoạt động sáng tạo của họ có thể không còn hiệu quả vì khi sản lượng đã tăng đến một mức nhất định và công ty cần thêm chip cũng như các bộ phận khác.

Trong khi đó, thị trường xe điện cũng đang trở nên cạnh tranh hơn nhiều khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống cuối cùng cũng có thể đáp ứng các mẫu xe mà người tiêu dùng mong muốn, hơn là các loại xe điện nhỏ thường được sản xuất để làm hài lòng các cơ quan quản lý. 

Tuần trước, Ford cho biết họ sẽ tăng gần gấp đôi sản lượng xe bán tải Lightning, phiên bản chạy điện của mẫu xe bán tải F-150 phổ biến của hãng này, vì nhu cầu tăng mạnh. Trong khi đó, xe bán tải của Tesla sẽ không được bán trong ít nhất một năm nữa.

Ngoài ra, triển vọng đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống có thể sẽ cải thiện trong năm nay khi tình trạng thiếu chất bán dẫn và các thành phần khác giảm bớt và các nhà sản xuất có khả năng ứng phó tốt hơn.

Ở một khía cạnh khác, xe Tesla vẫn gặp vấn đề về chất lượng. Công ty này cho biết họ có kế hoạch thu hồi hơn 475.000 xe ô tô vì hai lỗi riêng biệt. Lỗi đầu tiên có thể khiến camera chiếu hậu bị hỏng và lỗi thứ hai có thể khiến mui xe phía trước mở ra một cách bất ngờ. Và các nhà quản lý liên bang đang điều tra tính an toàn của hệ thống lái tự động Autopilot của Tesla, hệ thống có thể tự tăng tốc, phanh và điều khiển ô tô.

Stephen Beck, đối tác quản lý tại cg42, một công ty tư vấn quản lý ở New York (Mỹ), cho biết: “Tesla sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn bao giờ hết và sức cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Tuy nhiên, những lợi thế cơ bản của nhà sản xuất ô tô này, vốn cho phép hãng vượt qua cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra, sẽ vẫn còn. Tesla không sản xuất gì ngoài xe điện và không bị cản trở bởi những thói quen cũng như các quy trình đã lỗi thời. Ông Amsrud nói: “Tesla đã bắt đầu từ một tờ giấy trắng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục