Giải ngân đầu tư của Petrovietnam tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

11:51' - 03/07/2025
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2025, giải ngân đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2% so với thực hiện năm 2024.
Năm 2025, Petrovietnam có kế hoạch đầu tư 50,9 nghìn tỷ đồng, tăng 49,2% so với ước thực hiện năm 2024, trong đó, đẩy mạnh đầu tư ở các lĩnh vực như công nghiệp khí, lọc hóa dầu. Theo đó, kế hoạch đầu tư của Petrovietnam chủ yếu tập trung vào các dự án lớn như: Chuỗi dự án Lô B-Ô Môn, các dự án thăm dò khai thác, Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 &4, các dự án dịch vụ dầu khí...

Đáng chú ý, chiều 27/6 vừa qua, Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 – một trong hai tổ máy thuộc tổ hợp điện khí sử dụng LNG đầu tiên tại Việt Nam, đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, với công suất bước đầu đạt 50 MW. Đây là lần đầu tiên nhà máy phát điện lên lưới, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình chạy thử nghiệm trước khi vận hành thương mại.

 
Tiếp đó ngày 30/6 vừa qua, Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) – Chi nhánh Petrovietnam đã ký kết hợp đồng hai gói thầu PC1 và PC2 thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, chính thức hoàn tất lựa chọn toàn bộ các nhà thầu chính, bước vào giai đoạn mua sắm và thi công đồng bộ cả ba gói thầu then chốt thuộc tuyến ống Lô B – Ô Môn. Đây là hai hạng mục then chốt của tuyến ống ngoài khơi trong tổng thể hệ thống trung chuyển khí dài khoảng 430 km, kết nối từ mỏ khí Lô B đến cụm nhà máy điện Ô Môn.

Cùng với điểm sáng về giải ngân đầu tư, 6 tháng qua, với phương châm hành động năm 2025 là "Đổi mới từ cốt lõi, phát triển mô hình vượt trội, hội nhập chuỗi toàn cầu, nâng tầm tri thức năng lượng, bứt phá trong tăng trưởng, tạo bước chuyển xanh bền vững", toàn Petrovietnam cơ bản duy trì tăng trưởng ổn định, an toàn, hiệu quả, bám sát các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai theo kế hoạch, gia tăng trữ lượng ước đạt 1 triệu tấn quy dầu. Petrovietnam đã đưa vào vận hành thương mại mỏ Đại Hùng pha 3 từ ngày 7/5/2025, với lưu lượng hơn 6.900 thùng dầu/ngày, sớm hơn kế hoạch hiệu chỉnh 20 ngày, góp phần gia tăng sản lượng dầu khí, bảo đảm hoàn thành kế hoạch khai thác của Tập đoàn năm 2025. Tập đoàn đã ký kết 2 Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) sau thời gian dài không có hợp đồng dầu khí ký mới, có ý nghĩa quan trọng với hoạt động thăm dò khai thác và phát triển của Petrovietnam trong thời gian tới.

Sản lượng khai thác dầu đạt 4,82 triệu tấn; sản lượng khai thác khí đạt 2,99 tỷ m3; sản xuất điện đạt 16,65 tỷ kWh, tăng 8% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2024; sản xuất đạm ure vượt kế hoạch 6 tháng, đạt 950,2 nghìn tấn; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) đạt 3,78 triệu tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2024.

Nhờ vậy, tổng doanh thu toàn Petrovietnam ước đạt 510 nghìn tỷ đồng trong khi con số cùng kỳ năm 2024 là hơn 482 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 66,5 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị trong toàn Petrovietnam đã thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đạt 3.528 tỷ đồng, bằng 84,4% kế hoạch tiết giảm năm 2025 và tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ sản xuất 6 tháng cuối năm 2025 vừa diễn ra, lãnh đạo Petrovietnam cho biết trong 6 tháng qua, Petrovietnam đã tăng cường quản trị, giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi yếu tố vĩ mô như tài chính, thị trường, giá sản phẩm, tìm giải pháp bù phần thiếu hụt trong bối cảnh tình hình kinh tế - địa chính trị toàn cầu nửa đầu năm 2025 diễn biến phức tạp, cùng với biến động giá dầu và nguyên liệu đầu vào tạo ra áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Petrovietnam đã kịp thời tận dụng các thuận lợi từ môi trường pháp lý được hoàn thiện, xây dựng nội lực mạnh cả về vốn, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản trị và nhân lực.

Theo Petrovietnam, 2025 chính là năm bản lề, tạo đà cho Petrovietnam thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030 và hiện thực hoá mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng top 10 khu vực và quy mô lớn trên thế giới, lọt vào danh sách Fortune Global 500; hoạt động hiệu quả, bền vững, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và quốc tế, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực đột phá.

Vì vậy, trong nửa cuối năm 2025, Petrovietnam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Cụ thể, trong lĩnh vực thăm dò khai thác, Petrovietnam tăng tốc đàm phán hợp đồng mới, đẩy nhanh phát triển các mỏ chủ lực và tận dụng công nghệ để khai thác mỏ hiện hữu hiệu quả hơn. Ở mảng điện và khí, Petrovietnam đẩy mạnh mua bán sáp nhập, tối ưu bảo dưỡng, mở rộng thị phần quốc tế, thúc đẩy các dự án khí LNG, hydrogen và năng lượng tái tạo. Các đơn vị công nghiệp chế biến - dịch vụ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm hóa chất xanh, hóa vật liệu, dịch vụ logistics và điện gió ngoài khơi, tìm kiếm dư địa mới thông qua liên doanh, mở rộng thị trường quốc tế.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn yêu cầu các đơn vị trong toàn Petrovietnam  chủ động tìm kiếm và triển khai dự án mới trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để khai thác tối đa dư địa tăng trưởng. Mọi hành động phải bám sát chiến lược phát triển Tập đoàn, tận dụng tối đa các cơ chế đã được tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh Chính phủ giao trong năm 2025.

Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu toàn Tập đoàn đẩy mạnh kết nối chuỗi khí - điện, phát triển thị trường khí ngoài điện, hoàn thiện cơ chế tiêu thụ khí linh hoạt. Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục mở rộng hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, cả khu vực nhà nước và tư nhân nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập thị trường quốc tế sâu rộng. Ngoài ra, các nhà máy điện, lọc hóa dầu cần vận hành hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, thích ứng linh hoạt với biến động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục