Giải ngân vốn đầu tư công của hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%

19:32' - 11/04/2021
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đạt dưới 10%.

Có 3 bộ và 19 địa phương giải ngân đạt trên 15% kế hoạch; trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình đạt 43,24%, Bộ Công an đạt 31,62%, Bắc Ninh đạt 30,2%, Hưng Yên đạt 28,67%, Thanh Hóa đạt 27,79%, Hà Nam đạt 27,63% kế hoạch.

Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân vốn của một số dự án trọng điểm đạt thấp như: dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đạt 13,3% kế hoạch; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt 14,65% kế hoạch.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2021 khá thấp, chưa đạt yêu cầu chủ yếu do trong 3 tháng đầu năm các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021.

Cùng với đó, tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ dịp Tết Nguyên đán và dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công; đồng thời, thách thức lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn nước ngoài đạt 0,66% kế hoạch (gần như chưa giải ngân), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (4,99%).

Cụ thể, trong tháng 3/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giải ngân đạt 26.079,93 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng giải ngân đạt 60.749,635 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%); trong đó, vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%.

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công.

Theo đó, tổng mức đầu tư của các dự án phải được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở các quy định của nhà nước về định mức, suất đầu tư... tránh tình trạng phê duyệt tổng mức đầu tư vượt quá nhiều so với đầu tư thực tế, nhằm lợi dụng ngân sách nhà nước, gây lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, hiệu quả dự án, lợi ích người dân và sức cạnh tranh của nền kinh tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục