Giải ngân vốn dự án metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh: Không chỉ là chuyện "bơm tiền"

14:30' - 26/10/2017
BNEWS Dự án tuyến Metro số 1 thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn trong giải ngân vốn bởi nhiều lý do khác nhau.
Một góc Quận 2 với tuyến đường xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã “đi được” gần nửa quãng đường nhưng hiện đang vấp phải khó khăn trong việc giải ngân vốn ODA. Tháo gỡ khó khăn này, không chỉ là chuyện "bơm tiền" mà còn là việc giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.

Tăng vốn quá lớn

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm, 17,1 km trên cao, có 14 nhà ga và 1 depot Long Bình, quận 9. Dự án đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2, 9, Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh thông tin, năm 2006 tuyến metro số 1 do Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (viết tắt là Công ty Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 17.000 tỷ đồng.

Sau khi có chủ trương chấp thuận đầu tư của Chính phủ, Đoàn nghiên cứu hỗ trợ đặc biệt hình thành dự án (còn gọi là Đoàn Saprof) gồm các chuyên gia của Nhật Bản đến từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC, nay là Tổ chức JICA) đã tổ chức nghiên cứu lại dự án do Công ty Tedi – South lập. Lúc này dự án cũng được Bộ Giao thông Vận tải chuyển về cho Tp. Hồ Chí Minh.

Công ty Tedi – South đã sử dụng nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản để xây dựng, hoàn chỉnh báo cáo đầu tư và đưa ra tổng mức đầu tư ban đầu là 17.388 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Giao thông Vận tải, tháng 4/2007, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 126.583 triệu Yên Nhật (tương đương 17.388 tỷ đồng).

Từ năm 2006, Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn đơn vị tư vấn và liên danh NJPT của Nhật Bản đã trúng thầu. Ngay sau đó, liên danh này đã bổ sung, tính toán đủ cho thiết kế cơ sở do Công ty Tedi South (Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam thẩm định) và mời 2 công ty của Singapore là Công ty Singapore Mass Rapid Transit và Công ty CPG thẩm tra độc lập.

Đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được NJPT cập nhật, tính toán lại lên mức 236.626 triệu Yên Nhật (tương đương 47.325 tỷ đồng); trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Phía JICA không có ý kiến phản đối với mức vốn điều chỉnh này và cam kết vốn vay ODA cho Tp. Hồ Chí Minh thực hiện dự án.

Sau khi có báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cũng như đơn vị thẩm định độc lập của Singapore, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư của tuyến metro số 1 là 47.325 tỷ đồng và trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh dự án.

Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.

Theo lý giải của Ban quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh, nguyên nhân điều chỉnh tăng vốn do tăng khối lượng xây dựng (đầu máy, toa xe, trang thiết bị, hệ thống tiên tiến…); sự biến động khách quan của nguyên – nhiên liệu do trượt giá (biến động kinh tế 2007 – 2009), tăng lương tối thiểu từ năm 2006 – 2009); cập nhật tỷ giá Yên Nhật; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro.

Bên lề họp tổ Quốc hội ngày 24/10 vừa qua, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, theo quy định các dự án có tổng mức đầu tư trên 35.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội trong khi tuyến metro số 1 điều chỉnh tăng vốn từ hơn 17.000 tỷ đồng ban đầu lên hơn 47.000 tỷ đồng.

Trước đây, Chính phủ cho phép Tp. Hồ Chí Minh điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Vì thế dự án này cần phải được Quốc hội thông qua thì mới thống nhất được cơ chế cấp phát vốn đối ứng, đồng thời phải có cơ chế riêng cho dự án này, chứ không thể theo nghị định cấp phát cho vay lại của Bộ Tài chính.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát lại để đưa ra hướng giải quyết cho tuyến metro số 1, báo cáo lên Chính phủ, tuy nhiên tiến độ công việc còn phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan.

“Do chậm giải ngân vốn ODA, không có tiền thanh toán nên nhiều nhà thầu đã phản ứng rất gay gắt, đồng loạt có văn bản thông báo giãn tiến độ thi công hoặc xem xét các thủ tục pháp lý để khởi kiện.

Trước tình hình bức bách này, thành phố đã tạm ứng vốn 1.100 tỷ đồng để Ban quản lý Đường sắt đô thị có tiền thanh toán cho nhà thầu”, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh cho hay.

Có vướng mắc pháp lý?

Phải khẳng định rằng, việc triển khai dự án tuyến metro số 1 là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và là nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và Tp. Hồ Chí Minh trong việc đầu tư hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Do điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc triển khai dự án tuyến metro số 1 hầu hết phải sử dụng vốn vay ODA. Theo một số chuyên gia kinh tế, vốn vay ODA được xem là dạng hợp đồng vay “đặc biệt”; trong đó bên vay sẽ bị nhiều ràng buộc trong khi bên cho vay lại được rất nhiều ưu đãi về nhà thầu, công nghệ, tỷ giá đồng tiền cho vay, nhân công, trang thiết bị…

Ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, đơn vị tư vấn Nhật Bản có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt đô thị, qua đó làm rõ thiết kế cơ sở của dự án do đơn vị trong nước lập (Công ty Tedi South và được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam thẩm định).

Thành phố cũng đã mời thẩm định độc lập của Singapore tham gia việc thẩm định tổng mức đầu tư sau điều chỉnh nên việc e ngại chỉ có phía Nhật Bản tham gia dự án, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh vốn là chưa thoả đáng.

Đối với quan điểm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chính phủ đã uỷ quyền cho Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án chứ không phải đồng ý cho thành phố được phê duyệt tổng mức đầu tư lên hơn 47.000 tỷ đồng, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho hay.

Thực tế, sau khi duyệt vốn đầu tư lên hơn 47.000 tỷ đồng, trên cơ sở đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, thành phố đã ký kết 2 hiệp định vay ODA với số tiền 31.000 tỷ đồng của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và đã giải ngân được khoảng 40%, tương đương với 43% tổng khối lượng thực hiện của toàn dự án.

Cùng với đó, các bộ, ngành đã thống nhất ứng vốn trung hạn 2016 – 2020 với 7.500 tỷ đồng cho dự án. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành ứng phần vốn này để thành phố thực hiện công tác giải ngân vốn ODA trong năm 2017.

Với những vướng mắc hiện nay, tiến độ tuyến metro số 1 đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thời hạn hoàn hành trong năm 2020 (trước đó tiến độ phê duyệt ban đầu là hoàn tất năm 2018) khó khả thi.

Không chỉ vậy, các tuyến metro còn lại cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự khi thiết kế cơ sở được lập từ 8 – 10 năm trước, do đơn vị trong nước thực hiện, lại không cập nhật được công nghệ, thiết bị, trượt giá… nên sẽ phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên, Ban quản lý Đường sắt đô thị và UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực hết sức để tìm các giải pháp tháo gỡ hợp lý.

"Trước mắt thành phố sẽ rút kinh nghiệm, rà soát lại các văn bản pháp luật, đề nghị các bộ ngành liên quan có hướng dẫn, kiểm tra đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đốc thúc các bộ ngành sớm trình giải pháp ứng vốn đối ứng cũng như sớm trình dự án sau điều chỉnh để Quốc hội xem xét, thông qua”, ông Lê Nguyễn Minh Quang chia sẻ thêm ../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục