Giải ngân vốn FDI quý I/2022 cao nhất trong 5 năm

17:49' - 02/04/2022
BNEWS Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

Theo đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam; bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%.

Cùng với đó, vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,71 tỷ USD, chiếm 23,5%; các ngành còn lại đạt 569,6 triệu USD, chiếm 7,8%.

Bên cạnh đó, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 triệu USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 341 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 819,7 triệu USD và 393 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 811,4 triệu USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 992,9 triệu USD, chiếm 60,9% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 300,6 triệu USD, chiếm 18,4%; ngành còn lại 337,7 triệu USD, chiếm 20,7%.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm, bà Phí Thị Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, nếu phân tích chi tiết thì mức giảm trên vẫn thể hiện được yếu tố tích cực trong xu hướng thu hút đầu tư.

Trong quý I/2022, số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Về số vốn đăng ký trong quý I/2022, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% so cùng kỳ, bao gồm: đăng ký cấp mới giảm 54,5%; vốn đăng ký tăng thêm tăng 93,3% và đây chính là phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; số vốn góp, mua cổ phần tăng 102,6% và con số này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam tăng lên.

Như vậy, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% là do vốn đăng ký cấp mới giảm sâu 54,5%. Việc giảm 54,5% này được so sánh trên nền tăng cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4,41 tỷ USD.

"Nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 thì vốn đăng ký cấp mới quý 1/2022 vẫn tăng 14,2% so cùng kỳ, và tính chung vốn đăng ký FDI quý 1/2022 tăng 55,7% so cùng kỳ", bà Phương Nga cho hay.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 626,6 triệu USD, chiếm 19,5%; Trung Quốc 379,5 triệu USD, chiếm 11,8%; Đài Loan (Trung Quốc) 219,9 triệu USD, chiếm 6,8%; đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 191,7 triệu USD, chiếm 6%.

Để tăng cường thu hút dòng vốn FDI, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc (giảm số lượng, tăng về chất lượng), đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, Việt Nam vẫn có thể khai thác tốt các dư địa, phát huy thế mạnh nhờ vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện và tiến bộ. Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông và năng lượng cũng đồng bộ hơn nên sẽ hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài trong việc sắp xếp mạng lưới sản xuất theo xu hướng đa dạng hóa khu vực, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về chính sách cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam…/.

>>>Nhiều dự án FDI của Hàn Quốc hoạt động hiệu quả tại Thanh Hóa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục