Giải pháp cho nông nghiệp đô thị ở Cần Thơ

18:05' - 02/09/2022
BNEWS Thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 37,3 ha diện tích trồng hoa kiểng với trên 30 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hoa lan, cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 chậu/năm.

 

Chiều 2/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội sinh vật cảnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật  thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo "Hoa lan - Giải pháp cho nông nghiệp đô thị" nhằm chia sẻ những thách thức, định hướng trong việc trồng và chăm sóc hoa lan; đồng thời, hướng đến một nền nông nghiệp đô thị sinh thái, mang tính thẩm mỹ cho thành phố.

 

Thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 37,3 ha diện tích trồng hoa kiểng với trên 30 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hoa lan, cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 chậu/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 700 triệu đồng/cơ sở/năm.

Hoa lan giống chủ yếu nhập từ thành phố Hồ Chí Minh và Thái Lan thuộc nhóm: Dendrobium, Moraka, Vanda, Ocidium, Cattleya… Ngoài ra, các nhà vườn còn phát triển thêm một số giống lan rừng để cung cấp cho khách hàng thích sưu tầm giống hoa lan lạ.

Vùng sản xuất tập trung nhiều ở các quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng…với việc ứng dụng sản xuất giống bằng phương pháp cấy mô và áp dụng các kỹ thuật tưới phun mưa, phun sương cho vườn lan. Hiện nay, nhu cầu của thành phố Cần Thơ vẫn còn rất lớn kể cả hoa lan thương phẩm và sản xuất giống, khả năng cung ứng tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh các loại lan Hồ điệp cần nhiệt độ thấp để phát triển thì thành phố vẫn phải nhập các loại lan nhiệt đới khác, bao gồm cả lan chậu, lan cắt cành và lan giống. Nguồn tiêu thụ của các nhà vườn chủ yếu là bán lẻ hoặc bán cho các cửa hàng kinh doanh hoa kiểng, một số ít bán cho thương lái để đưa đi các địa phương khác.

Theo ông Trần Văn Hội, Hội sinh vật cảnh thành phố Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng phát triển hoa lan tại thành phố Cần Thơ sẽ khó cạnh tranh với các hoa nhập từ nơi khác, đặt biệt là hoa lan cắt cành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc trồng và bán hoa tại chỗ đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn. Qua đó, giúp cắt giảm được các chi phí vận chuyển, hư hại trong quá trình vận chuyển, bảo quản, nhất là hạn chế được khâu trung gian và gia tăng lợi nhuận.

Về chất lượng và giá thành, nếu đầu tư đúng yêu cầu kỹ thuật và quy mô phù hợp thì hoàn toàn có thể cho ra sản phẩm chất lượng. Ban đầu phát triển quy mô nhỏ cung ứng tại chỗ và sau đó có thể phát triển để xuất đi các nơi khác.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Ây, Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho rằng, hạn chế cơ bản của hoa lan Cần Thơ là các nhà vườn ngại cạnh tranh và bỏ ra số tiền lớn đầu tư ban đầu; nguồn giống tại chỗ còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nơi khác.

Các cơ sở chủ yếu kinh doanh hoa chậu hoặc hoa cắt cành, rất ít cơ sở thực hiện việc sản xuất giống hoặc bán cây giống. Hiện nay, nhu cầu nguồn giống hoa lan cấy mô là rất lớn và chỉ có biện pháp nhân giống từ cây cấy mô mới đảm bảo được chất lượng và số lượng cung ứng cho thị trường.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh cũng ít mua cây con từ chai mô về trồng mà chủ yếu nhập cây đã được thuần dưỡng về để bán cây giống hoặc trồng kinh doanh cây thành phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng cao hơn so với các nơi khác.

Trong những năm qua, Trung tâm Dich vụ nông nghiệp thành phố cũng có những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy việc phát triển hoa lan của thành phố. Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan cho các hộ dân cũng như hỗ trợ tư vấn miễn phí cho người dân khi có nhu cầu.

Đồng thời, tổ chức xây dựng nhiều mô hình, điểm trình diễn trồng hoa lan. Các mô hình hỗ trợ cho bà con nông dân 100% chi phí mua cây giống và nhiều hộ nhận thấy được lợi ích từ mô hình nên đã mạnh dạn đầu tư phát triển.

Để ngành lan của thành phố phát triển, Thạc sỹ Nguyễn Đức Thanh Bình, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho rằng cần đầu tư nhiều vào nguồn giống và xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ người dân để có thể trồng lan với quy mô lớn và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật giúp cây lan đạt chất lượng tốt nhất.

Thành phố Cần Thơ có diện tích đất tự nhiên 140.894 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 80%. Định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố Cần Thơ từng bước theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ công nghiệp - nông nghiệp - công nghệ cao giai đoạn sau năm 2020.

Thực tế cho thấy, những năm qua ngoài sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo cánh đồng lớn thì ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng định hướng xây dựng các mô hình khuyến nông phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị nông nghiệp công nghệ cao trên các lĩnh vực rau, hoa kiểng ở các quận trung tâm như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt... gắn với tham quan du lịch sinh thái.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Trường Yên cho biết, đến nay việc phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố được xem như hướng đi đúng trong việc giải quyết các vấn đề bất cập liên quan trong quá trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai của thành phố.

Trồng hoa kiểng hiện là nghề đem lại thu nhập rất cao so với các loại cây khác khi tính trên cùng một diện tích đất. Đặc biệt,  hoa lan vừa là loại hoa có giá trị kinh tế cao vừa là loại cần áp dụng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhất là khâu nhân giống. Chỉ có áp dụng các tiến bộ khoa học mới có thể cho ra các giống hoa lan chất lượng cao và số lượng lớn để sản xuất hàng hóa.

Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai một số mô hình nông nghiệp đô thị tại các quận, huyện trên địa bàn nhằm góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân vùng đô thị và ven đô thị như: mô hình nhà trồng nấm bào ngư xám kết hợp tưới phun sương, các mô hình chuyên canh rau, các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng hoa kiểng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục