Giải pháp chống nghẽn lệnh chứng khoán: Lời khuyên cho nhà đầu tư

07:20' - 15/03/2021
BNEWS Giới đầu tư đang phải "sống chung với nghẽn lệnh" chứng khoán, thanh khoản thị trường bị “bóp méo” cũng như biến động chỉ số không còn tự nhiên ảnh hưởng rất lớn tới việc phân tích thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển vượt bậc về quy mô thanh khoản. Tuy nhiên, với thực tế là hệ thống phần mềm đang gặp vấn đề tắc nghẽn lệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán và lợi ích của các nhà đầu tư. Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề nghẽn lệnh và các giải pháp khắc phục, đồng thời có những khuyến nghị trong bối cảnh nhà đầu tư phải “sống chung với nghẽn lệnh”, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI.

Phóng viên: Theo ông, tình trạng nghẽn lệnh đã và sẽ tác động như thế nào đến nhà đầu tư ?

Ông Lê Ngọc Nam: Việc nghẽn lệnh kéo dài từ tháng 12 tới nay đang gây khó khăn cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán. Bảng giá hiển thị và giá khớp thực tế khác nhau khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc giao dịch.

Nhà đầu tư không biết giá nào đang khớp, bên mua đặt giá nào và bên bán đặt giá ra sao. Nhà đầu tư cũng không thể cắt lỗ hoặc chốt lời khi thanh khoản trên sàn HOSE vượt quá 15.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nghẽn lệnh, nhà đầu tư khó có thể dựa vào biến động của chỉ số và thanh  khoản để ra quyết định mua bán, đặc biệt là các nhà đầu tư ngắn hạn sử dụng phân tích kỹ thuật để mua bán

Như chúng ta đã biết, mức độ giao dịch trên sàn đang diễn ra rất sôi động. Giao dịch là một trong những yếu tố căn bản nhất của đầu tư, do đó, bất cứ một yếu tố nào tác động lên quá trình giao dịch của nhà đầu tư sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó liên quan đến việc cơ cấu danh mục, thanh khoản của các nhà đầu tư trên thị trường.

Phóng viên: Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư khi giao dịch trong bối cảnh “nghẽn lệnh” của thị trường hiện tại?

Ông Lê Ngọc Nam: Ở thời điểm hiện tại, tình trạng nghẽn lệnh không còn mới và đã khá quen thuộc đối với nhà đầu tư giao dịch ở trên sàn. Thanh khoản thị trường bị “bóp méo” cũng như biến động chỉ số không còn tự nhiên ảnh hưởng rất lớn tới việc phân tích thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư kỹ thuật vốn dựa vào yếu tố giá và thanh khoản để đưa ra quyết định.

Tôi cho rằng trong bối cảnh tình trạng nghẽn lệnh dự báo sẽ còn kéo dài, nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng hơn khi giao dịch trên HOSE, tránh sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) với tỷ lệ cao để hạn chế những rủi ro không thể bán được khi hệ thống quá tải.

Các cổ phiếu trên sàn HNX và UPCOM cũng có thể là một lựa chọn trong giai đoạn này bởi tính ổn định hơn của hệ thống.

Để phòng hộ trước rủi ro của việc nghẽn lệnh, nhà đầu tư nên tìm một phương án khả dĩ nhất tạm thời trong thời gian này. Bản thân nhà đầu tư có thể thấy diễn biến của thị trường từ đó mà có chiến lược cầm chừng trong các hoạt động giao dịch đặc biệt là về cuối phiên.

Theo tôi, nếu tình trạng nghẽn lệnh không được khắc phục thì rất khó có thể định lượng quãng thời gian để có thể giải quyết vấn đề thanh khoản của các nhà đầu tư.

Một số nhà đầu tư còn chia sẻ nên chuyển giao dịch lên buổi sáng, vì sự nghẽn lệnh thường diễn ra về cuối phiên chiều, nhưng đây chưa phải cách làm hay cho nhà đầu tư. Bởi dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng giống như tình trạng tắc đường, nếu tất cả nhà đầu tư đều đi phiên sáng thì tình trạng tắc đường giờ cao điểm sẽ vẫn diễn ra.

Tương tự với trường hợp HOSE do dung lượng hệ thống chỉ có thể chứa được một ngưỡng nhất định. Vì vậy, thay vì giao dịch buổi chiều đẩy lên sáng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của nhà đầu tư trong hoạt động mua bán của mình.

Dù là có giao dịch buổi sáng  đi chăng nữa thì tâm lý của nhà đầu tư chắc chắn sẽ rất dè chừng đối với việc mua – bán. Bởi khi gặp rủi ro về thị trường, nhà đầu tư cũng không thể bán được cổ phiếu trên danh mục của mình và phải chờ đến hôm sau. Trong khi các biến động của thị trường liên tục, có những cổ phiếu tăng giảm 5-7%, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc giao dịch khi nhà đầu tư phải đến phiên sau.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về giải pháp chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX ?  Dưới góc độ chuyên gia, ông có đề xuất thêm giải pháp nào?

Ông Lê Ngọc Nam: Khác với HOSE, khả năng xử lý của HNX lên tới 20 – 30 triệu lệnh/ngày, tức gấp hơn 20 lần so với HOSE. Do đó tôi cho rằng việc tận dụng hệ thống của HNX sẽ là giải pháp tạm thời giúp giảm thiểu áp lực cho HOSE.

Tuy nhiên để có thể làm được việc này thì nếu muốn chuyển sàn, hiện tại các doanh nghiệp cần phải xin ý kiến của cổ đông. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn hay quy định giao dịch tại HOSE có sự khác biệt so với HNX về biên độ, về công bố thông tin cũng như nhiều cổ phiếu sàn HOSE thuộc các nhóm chỉ số, đáp ứng nhu cầu đầu tư của các tổ chức. Vì vậy, việc chuyển sàn sẽ cần một cơ chế đặc biệt để không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các bên tham gia thị trường.

Về giải pháp, tôi đang trông đợi vào kết quả phối hợp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Công ty cổ phần FPT trong việc triển khai nâng cấp hệ thống trong thời gian sớm nhất và hy vọng khoảng 3 tháng nữa thị trường sẽ có thể tiếp nhận thanh khoản gấp 2 lần hiện tại.

Chúng ta đều biết nguyên nhân tình trạng nghẽn lệnh lâu dài trên sàn HOSE chính là từ vấn đề công nghệ. Các biện pháp ngắn hạn tương đối khó và đặc biệt là chúng ta đang phụ thuộc vào bên triển khai hệ thống đó.

Trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, các doanh nghiệp trên sàn niêm yết đặc biệt là các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn mong muốn xây dựng hệ thống mới trên HOSE với giá trị chi phí khoảng 60 tỷ đồng và triển khai trong 2 tháng.

Trước hết, về khả năng của các doanh nghiệp nội tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được về mặt công nghệ; tuy nhiên, rõ ràng việc hệ thống cần chờ đến hơn 2 tháng để có thể vận hành bình thường và tránh tình trạng nghẽn lệnh thì thời gian tương đối lâu, đồng thời khá ảnh hưởng đến giao dịch của các nhà đầu tư tại thời điểm hiện tại./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục