Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

13:03' - 09/11/2024
BNEWS Tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 9/11 đã đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn này.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến cuối tháng 10/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 375,8 nghìn tỷ đồng, tăng 241,1 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm.

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Theo đó, số tiền ủy thác đến nay đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8%/tổng nguồn vốn, tăng 45,1 nghìn tỷ đồng so trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

“Đây là nguồn lực lớn, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.

Với nguồn lực này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 358,9 nghìn tỷ đồng, tăng 229,4 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so cuối năm 2014 - thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay là 0,55%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ.

Theo các đại biểu Quốc hội tham dự tọa đàm, với những thành quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ giảm nghèo của cả nước từ 14,2% năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Bên cạnh những thành quả nổi bật, tại tọa đàm, các đại biểu cũng nhìn nhận hiện còn không ít thách thức đối với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và bối cảnh mới cũng đặt ra những yêu cầu mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn này.

Một trong những khó khăn nhất được Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận chia sẻ đó chính là nguồn lực vốn. “Nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội,…”, ông Thuận cho biết.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, hiện nay chúng ta thiếu các quy định pháp lý về việc bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Thí dụ Luật Đầu tư công hiện hành không có quy định về bố trí vốn đầu tư công thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội mà chỉ bố trí vốn qua cho việc chi phí quản lý và cấp bù chênh lệch lãi suất, do vậy rất hạn chế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ mong muốn “có một chỉ thị yêu cầu phải thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội”. Ngoài ra, để bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn vốn, ông Hiếu gợi ý có thể sử dụng kênh trái phiếu Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An cũng cho hay, hiện mức vay của một số chương trình, chính sách còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa phù hợp với tình hình thực tế và giá cả thị trường, như cho hộ nghèo vay làm nhà ở, cho vay làm công trình vệ sinh và nước sạch... Vì vậy, người dân mong muốn nâng mức cho vay với các chương trình này.

Bên cạnh đó, bà An đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông - lâm - ngư nghiệp. Đối tượng cho vay hiện nay đã mở rộng, tuy nhiên với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hay ở hải đảo thì điều kiện còn khó khăn nên cần có chính sách cho các hộ gia đình có mức sống trung bình vay vốn để họ có vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tránh tái nghèo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục