Giải pháp nào đẩy mạnh tín dụng cho "Tam nông"?

14:45' - 09/10/2024
BNEWS Đâu là những thách thức và cơ hội trong việc cung cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn? Cần làm gì để cải thiện hiệu quả đầu tư tín dụng trong thời gian tới?
Đây là một vài nội dung chính được bàn luận tại hội thảo Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "Tam nông "phát triển bền vững diễn ra hôm nay 9/10 tại Hà Nội. Hội thảo do Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Sự tăng trưởng này theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước là đến từ việc hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng chú trọng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Hiện có hơn 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cấp vốn cho lĩnh vực này. Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cùng hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), Quỹ tín dụng nhân dân đã cung cấp các dịch vụ tài chính đặc thù cho nông dân, cư dân vùng sâu, vùng xa.

Dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đạt 27.649 tỷ đồng vào cuối năm 2023, trong khi dư nợ tín dụng dành cho các chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp tăng trưởng 13,42% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023. Đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tỷ trọng tín dụng đã tăng từ 31% vào năm 2016 lên gần 39% năm 2023, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản và vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết tính đến tháng 9/2024, dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2015. Agribank là ngân hàng có thị phần tín dụng lớn nhất trong lĩnh vực này.

Việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dù đã mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng. Một trong số những nút thắt cần tháo gỡ được bà Hà Thu Giang chỉ ra chính là sự khó khăn trong việc cung cấp vốn dài hạn với lãi suất thấp. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng chủ yếu dựa vào phần lớn vốn được huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế với kỳ hạn ngắn.

Ngoài ra, các chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dù đã có các quy định khuyến khích nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ ràng. Quá trình thẩm định, xét duyệt và quản lý khoản vay trong lĩnh vực này cũng còn nhiều trở ngại, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Bà Giang cũng nêu rõ những khó khăn trong việc thu hồi và xử lý nợ vay trong nông nghiệp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Nhiều khách hàng vay còn có tâm lý ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, gây áp lực cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn...

Tách bạch chính sách

Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, lãnh đạo Agribank đề nghị tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, đồng thời ưu tiên ngân hàng này trong việc phục vụ các dự án ủy thác đầu tư nông nghiệp. Ngoài ra, ông Ngọc cũng kêu gọi Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định, giúp người nông dân tránh rủi ro về giá cả.

Agribank cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ liên quan đến việc quản lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, kiến nghị ngành ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức khảo sát nhu cầu để xây dựng sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng phân khúc khách hàng, các thủ tục vay vốn nên có sự rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của mọi đối tượng.

Thêm nữa, việc mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ, nhất là khu vực nông thôn và ứng dụng công nghệ số cho hoạt động cũng là nội dung được ông Hưng đề cập.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng cho nông nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp thông qua việc mở rộng đối tượng và hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân canh tác diện tích lớn, ở vùng thường gặp thiên tai; tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp..

Ngoài ra, cũng cần xem xét ban hành, cập nhật định mức kinh tế kỹ thuật đối với cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch nông nghiệp gắn với kinh tế địa phương, hoàn thiện hướng dẫn Luật đất đai 2024, đẩy nhanh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tập trung đất cho sản xuất quy mô lớn...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục