Giải pháp nào bảo vệ người lao động khi chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn?

14:07' - 13/07/2019
BNEWS Hàng trăm công nhân may mặc ở Bắc Giang bị chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không trả lương, không đóng bảo hiểm xã hội từ nhiều tháng nay.

Tình trạng hàng trăm công nhân bị chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ lương, bảo hiểm xã hội từ nhiều tháng nay với số tiền hàng chục tỷ đồng đang diễn ra ở hai doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, 100% vốn Hàn Quốc, tại Bắc Giang.
*Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép”
Trụ sở cũ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Duo Vina, 100% vốn Hàn Quốc, tại xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, giờ đã được thay thế bằng một công ty khác.

Duo Vina được thành lập từ năm 2016, hoạt động sản xuất hàng may mặc với khoảng 420 công nhân.

Từ tháng 3/2019, do khó khăn về tài chính, Công ty đã nợ lương của người lao động với số tiền trên 4,3 tỷ đồng và bảo hiểm xã hội khoảng 5,2 tỷ đồng.

Duo Vina đã nhiều lần hứa trả lương cho người lao động nhưng không thực hiện. Từ ngày 3/6, người lao động không thể liên lạc được với Giám đốc Công ty này.
Chị Trần Thị Nhâm, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Duo Vina cho biết: Hiện Công ty đang nợ lương của tôi là 17,2 triệu đồng.

Cùng đó, Công ty cũng đang nợ lương của hơn 400 công nhân trong tháng 1 và hơn 300 công nhân trong tháng 2.  

Ngoài ra, Công ty còn nợ bảo hiểm xã hội của nhiều lao động, có người nợ đến 19 tháng. “Hiện tại chúng tôi không liên lạc được với Giám đốc, cũng chẳng biết làm thế nào”, chị Nhâm bức xúc nói.
Cùng thời điểm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fourwell Vina tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cũng trong tình trạng cửa đóng, then cài, bị cắt hết điện, nước; máy móc han gỉ. Hàng trăm công nhân Công ty này đang bị nợ 2,5 tháng lương và 9 tháng bảo hiểm xã hội với số tiền lên tới hơn 10 tỷ đồng. Từ đầu tháng 6, người lao động không thể liên lạc được với lãnh đạo Công ty Fourwell Vina.
Toàn bộ văn phòng, nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đều là đi thuê. Hiện tại, trong Công ty chỉ còn máy móc và một ít hàng trị giá khoảng vài trăm triệu đồng.

Để tránh doanh nghiệp tẩu tán tài sản, mỗi người lao động tại Công ty đã tự nguyện đóng góp 50 nghìn đồng để thuê người canh gác tại cổng Công ty 24/24 giờ.

Tuy nhiên, thu nhập có hạn nên không thể thuê người trông mãi được, người lao động đành nhờ vào ông bảo vệ mà phía ngân hàng thuê trông.
Nhà có 3 người cùng làm công nhân cho Công ty, đến nay cả 3 người trong gia đình chị Thân Thị Yến (xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đều bị nợ lương và bảo hiểm xã hội.

Đáng nói, tuy sinh con từ tháng 1/2019 nhưng chị Yến vẫn chưa được thanh toán số tiền thai sản. “Nhà tôi có 3 người làm ở Công ty gồm mẹ chồng, chồng tôi và tôi, hiện tại Công ty nợ 2,5 tháng lương của mẹ chồng và chồng tôi, còn tôi là tiền thai sản và tiền viện phí.

Công nhân chúng tôi đi làm thuê chỉ trông chờ vào đồng lương, bị Công ty nợ lương cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không có tiền trang trải cuộc sống, nhiều lần còn không có tiền mua sữa cho con, phải đi vay mượn họ hàng.

Giờ cả hai vợ chồng đều chưa tìm được việc nên cuộc sống rất khó khăn”, chị Thân Thị Yến - công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fourwell Vina chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Văn Cảnh, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fourwell Vina: "Doanh nghiệp này từ tháng 12/2018 luôn chậm lương, tháng Tết chúng tôi không có đồng nào tiêu Tết. Từ tháng Giêng trở đi tháng nào cũng nợ lương, ít nhất là một tuần.

Đến tháng 4 thì chậm hẳn và đến bây giờ nợ lương tháng 4, 5 và nửa tháng 6, cùng đó là 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện Ban lãnh đạo Công ty không phản hồi là chậm đến bao giờ. Chúng tôi cũng chẳng làm thế nào để liên lạc được với lãnh đạo Công ty, chỉ liên lạc được với anh phiên dịch, giờ chẳng biết liên lạc với ai để giải quyết."
*Khó khăn bảo vệ quyền lợi người lao động
Một điểm chung ở hai doanh nghiệp này đó là toàn bộ văn phòng, nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đều đi thuê, tài sản hầu như không còn, không đủ khả năng thanh toán nghĩa vụ với người lao động.

Và trước khi không liên lạc được với lãnh đạo, Công ty liên tục chậm lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, sau đó bỏ trốn và âm thầm cắt đứt liên lạc với người lao động.

Những biểu hiện này khiến người lao động tại doanh nghiệp phản ứng bằng các hình thức như đình công, bãi công, lãn công.
Trước tình hình đó, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc, thành lập các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty.

Trước những vi phạm về tiền lương, bảo hiểm xã hội của hai Công ty, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả, với Công ty Duo Vina là 230 triệu đồng, Công ty Fourwell Vina là 150 triệu đồng.

Nhưng, đến nay cả hai Công ty đều chưa thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tại thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương về cuộc họp bàn giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động tại các doanh nghiệp thuê nhà xưởng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh mới đây, đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng chủ doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội rồi bỏ trốn là do chính quyền các địa phương đã không nghiêm túc trong quản lý, không áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh còn yếu trong công tác tham mưu, đối với các vụ việc xảy ra hầu hết không đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết; biện pháp xử lý sau thanh tra, kiểm tra của các ngành, các địa phương thiếu kiên quyết, không thống nhất, xử phạt không đầy đủ các lỗi vi phạm.

Vì vậy, không có cơ sở để cơ quan Công an điều tra, đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự theo quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết: Lẽ ra phải kiên quyết hơn trong xử phạt hành chính.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện nộp phạt hành chính thì phải cưỡng chế ngay. Ở đây chưa thực hiện cưỡng chế thì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.
Khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, giải pháp trước mắt của các cơ quan chức năng địa phương là niêm phong tài sản doanh nghiệp để làm cơ sở giải quyết quyền lợi cho người lao động; và thông qua tổ chức Công đoàn để khởi kiện doanh nghiệp.

Việc khởi kiện doanh nghiệp có chủ bỏ trốn gặp nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục. Thế nhưng, đa phần số tài sản còn lại của doanh nghiệp đều đã bị thế chấp cho ngân hàng.

Do đó, dù có thắng kiện, chưa chắc người lao động đã được lĩnh những đồng tiền tương ứng với mồ hôi, công sức của họ.
Ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong trường hợp này, việc bảo vệ quyền lợi người lao động một cách triệt để rất khó khăn.

Chúng ta không quá kỳ vọng vào việc bảo vệ một cách triệt để, nhưng cố gắng ở những tài sản hiện nay Công ty không mang ra bảo đảm cho ngân hàng như quần áo, thiết bị khác, để có tài sản thanh toán một phần cho người lao động.
“Để khắc phục tình trạng trên, nhằm giải quyết quyền lợi cho người lao động, tỉnh Bắc Giang có văn bản giao Công an tỉnh xác minh thông tin về nơi ở của hai ông chủ doanh nghiệp này, yêu cầu họ quay lại xử lý những vi phạm và giải quyết những khoản nợ với người lao động.

Đồng thời, tỉnh thành lập Tổ công tác thực hiện việc bám sát diễn biến của hai Công ty, không cho doanh nghiệp tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người lao động, để họ yên tâm phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết sự việc”.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục