Giải pháp nào cho tiêu thụ lúa gạo?

16:23' - 20/02/2019
BNEWS Dự báo, trong quý 1/2019, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch được gần 10 triệu tấn lúa. Trừ tiêu thụ trong nước, sẽ có trên 7 triệu tấn cho xuất khẩu, tương đương gần 3,6 triệu tấn gạo.
Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm so với cuối năm 2018. Ảnh: TTXVN

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái ngược với kết quả tăng của năm 2018, xuất khẩu gạo từ đầu năm 2019 đến nay giảm mạnh. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, trong khi các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.

Điều này đang kiến giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ phải thực hiện nghiêm túc việc thu mua dự trữ lưu thông cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo đã có hợp đồng.

Vụ Đông Xuân 2018-2019 của Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng trên 1,597 triệu ha. Hiện vùng đã thu hoạch được khoảng 20% diện tích gieo cấy. Năng suất ước đạt 69 tạ/ha, tăng 1 tạ so với vụ Đông Xuân 2017-2018. Sản lượng vụ Đông Xuân này toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn lúa; trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng 7,339 triệu tấn, tương đương 3,669 triệu tấn gạo.

Dự báo, trong quý 1/2019, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch được gần 10 triệu tấn lúa. Sản lượng này đủ để tiêu thụ trong nước khoảng 2,76 triệu tấn, dành cho xuất khẩu trên 7 triệu tấn, tương đương gần 3,6 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, giá lúa năm nay không cao bằng năm ngoái và các giao dịch của giữa doanh nghiệp với người dân rất ít. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm.

Bên cạnh đó, sau Tết, các doanh nghiệp còn chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng; hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Trong khi đó, vụ Đông Xuân đã bước vào vụ thu hoạch nên dẫn đến khối lượng tăng cục bộ, giá giảm.

Về thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc có dấu hiệu chững lại bởi đã xuất hiện thách thức mới.

Thị trường này tăng cường kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu vào chính ngạch, giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu thương mại và giám sát giao dịch thương mại biên giới.

Trung Quốc cũng gia tăng mua gạo Campuchia, Ấn Độ, tạo sự cạnh tranh về thị trường gạo trong khu vực đối với Việt Nam.

Với các thị trường lớn khác như Philippines đang muốn mở rộng nguồn cung cấp gạo bằng cách ký thêm các bản ghi nhớ hợp tác với Pakistan, Myanmar. Indonesia cho biết họ đã có lượng gạo dự trữ đủ dùng đến hết tháng 6/2019, như vậy có thể sau tháng 7/2019 Indonesia mới có nhu cầu nhập khẩu gạo.

Các nước châu Phi, chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai các chương trình đảm bảo tự cung lương thực.

Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc quy định mua dự trữ lưu thông theo quy định. Ảnh:TTXVN

Để duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo trong những năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo. Các địa phương, doanh nghiệp tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu gạo.

Trước mắt, với tình hình thực tế sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương đàm phán với Trung Quốc thúc đẩy và ổn định chính sách thương mại nông sản giữa hai nước; theo dõi sát giá cả và tình hình xuất khẩu, đặc biệt tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và các thị trường nhập khẩu tiềm năng, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối, yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định mua dự trữ lưu thông theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bàn giải pháp thúc đẩy, đa dạng hóa các thị trường thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức Đoàn công tác thúc đẩy xúc tiến thương mại gạo tại thị trường Philippines.

Để thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân, đảm bảo hiệu quả cho nông dân trồng lúa và chuẩn bị chân hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết, Hiệp hội đã đề nghị các hội viên tùy theo điều kiện thực tế chủ động thực hiện mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề nghị, các đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. Chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gửi kho tại các doanh nghiệp hội viên.

Hiệp hội cũng đề nghị các hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng.

Năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 6,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2017, với giá trị đạt trên 3 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá bình quân xuất khẩu ở mức 501 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương mức tăng là 48 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2017.

Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức khá cao, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân sản xuất lúa. Năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang nhiều thị trường đã có tăng trưởng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục