Giải pháp nào đạt mục tiêu xuất khẩu như kỳ vọng?

08:30' - 02/07/2017
BNEWS Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của năm 2017 nhưng ngành Công Thương vẫn kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ sớm chạm ngưỡng 188 tỷ USD,tăng 6,9%.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Ảnh: TTXVN

Dẫu rằng đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng với những giải pháp xuyên suốt cùng những chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lạc quan với mục tiêu này.

Tuy nhiên, chặng đường còn lại vẫn còn dài và xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức kèm những khó khăn nội tại sẽ tạo ra không ít rào cản.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng hàng hóa và năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu. 

Từ nỗ lực đến mục tiêu

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Song song với đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng năm 2017 có mức nhập siêu là 2,7 tỷ USD.

Ông Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, theo chu kỳ, xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm.

Cùng đó, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.

Vì vậy, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.

Theo dự báo mà ông Dương Duy Hưng đưa ra: Tăng trưởng nhập khẩu có khả năng giảm dần do xu hướng giảm giá một số mặt hàng như giá thép, phân bón, xăng dầu.

Hơn nữa, nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một loạt các dự án và sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: Với những chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ cùng những nỗ lực từ phía Bộ Công Thương thì mục tiêu 188 tỷ USD trong năm 2017 là hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam vẫn bị vướng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật khiến tình trạng xuất khẩu trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, sự trì trệ thiếu đổi mới của các doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những nguyên nhân cản trở xuất khẩu.

Đi tìm giải pháp cốt lõi

Để giải quyết những thách thức này, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp cốt lõi là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đổi mới công nghệ, quản trị.

Hiện doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là gia tăng về quy mô mà chưa gia tăng về mặt giá trị sản phẩm.

Đơn cử như trong các ngành hàng, sản phẩm có tỷ lệ xuất khẩu lớn như: điện thoại, dệt may… thì việc nhập khẩu nguyên liệu lớn, giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển thương hiệu và thị trường.

Nhận định của giới chuyên gia, là nền kinh tế đang phát triển nên việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Cùng với đó, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng cần một chiến lược phát triển lâu dài.

Theo ông Trần Thanh Hải, thông qua các lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hoá Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường cũng như các quốc gia đối tác trong FTA.

Hơn nữa, trước làn sóng FTA song phương và đa phương đang diễn ra sôi động, Việt Nam nếu không tích cực tham gia các FTA sẽ bị gạt ra khỏi sân chơi toàn cầu.

Dù vậy, ông Trần Thah Hải cũng thừa nhận rẵng vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc...

Đáng buồn hơn là hầu hết doanh nghiệp chưa nắm bắt được hay cập nhật đầy đủ các thông tin về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch động thực vật.

Không những thế, doanh nghiệp cũng chưa nghiên cứu cụ thể về quy tắc xuất xứ, mức cắt giảm thuế quan trước khi lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Điều này dẫn đến những rủi ro có thể phát sinh khi xuất khẩu.

Xuất phát từ những bất cập này mà Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chứng nhận xuất xứ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp C/O thông qua việc tăng cường cấp C/O điện tử cũng như hoàn thiện hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho mình.

Đây là bước tiến lớn trong lộ trình giúp doanh nghiệp tận dụng tốt những ưu đãi trong FTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Cùng đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh việc đơn giản hóa hoặc giảm bớt quy định về điều kiện kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ cũng sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Cùng đó, Bộ sẽ tham gia hệ thống Cơ chế Một cửa Quốc gia và triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia cơ chế này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời.

Đặc biệt doanh nghiệp phải chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tạo thuận lợi trong xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục