Giải pháp nào để cải cách không thể chậm nhịp?

11:35' - 03/01/2019
BNEWS Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm doanh nghiệp… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Cải cách môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính được coi là một trong những điểm nhấn trong năm 2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Việc phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm doanh nghiệp… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, việc cắt giảm thủ tục hành chính, rào cản kinh doanh, cắt giảm 50% yêu cầu kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã trở thành điểm sáng trong việc thực hiện Nghị quyết 35 về cải cách thủ tục hành chính trong năm 2018.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng nhiều chương trình hành động với các nhiệm vụ chính như tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiến hành cho thấy, doanh nghiệp đánh giá việc giải quyết kiến nghị của chính quyền địa phương không cao bằng các bộ, ngành ở Trung ương. Kết quả này cũng phù hợp với tình trạng UBND cấp tỉnh thường trả lời kiến nghị của doanh nghiệp khá chậm chễ.

Nhiều vụ việc kéo dài liên miên, qua nhiều năm nhưng không được giải quyết triệt để và dứt điểm, khiến doanh nghiệp không hài lòng và liên tục khiếu kiện qua nhiều cấp. Đặc biệt liên quan đến vấn đề đất đai như: gia hạn hợp đồng thuê đất, cấp phép hoặc thu hồi dự án, xác định giá trị tiền thuê đất…

Đánh giá cụ thể về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, qua theo dõi tình hình thực hiện cam kết của các địa phương với VCCI và báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền từ trung ương đến địa phương trong những năm qua.

"Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ ngành và địa phương. Rất nhiều các biện pháp cải cách được các bộ ngành, chính quyền địa phương đưa ra, nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa", ông Lộc bày tỏ.

Một số lĩnh vực ghi nhận mức độ cải cách đáng kể được doanh nghiệp đón nhận như tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, điện tử hoá thủ tục thuế… Các lĩnh vực khác đa phần đều có những cải cách nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một số địa phương cũng nhiều lần được cộng đồng doanh nghiệp vinh danh khi có những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Long An… Các địa phương khác cũng đều có những biện pháp cải cách nhất định và đều tiến bộ so với chính mình những năm trước đây.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tiếp cận tín dụng, đảm bảo an ninh trật tự và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp và thực hiện Chính phủ điện tử; tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công việc...

Riêng trong việc cải cách hành chính, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết đã ký với VCCI như: Thời gian thành lập doanh nghiệp: đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với cam kết); nhiều tỉnh thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ còn 1 ngày như: Bạc Liêu, An Giang…

Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước là 258.163 biên chế. Ảnh minh họa: TTXVN

Các tỉnh được đánh giá tốt về cải thiện chỉ số đăng ký kinh doanh gồm Trà Vinh, Bạc Liêu, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Long An, Phú Yên, Quảng Ninh, Tây Ninh… Việc thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm, sở hữu, điện, nước … cũng đều được các tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ thông tin từ đó rút ngắn thời gian hơn nhiều so với trước khi có Nghị quyết 35.

Bên cạnh đó, mô hình Trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh, thành phố tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Có tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Ngãi… đã xây dựng Trung tâm hành chính công đến cấp huyện. Ngoài ra, tất cả các địa phương đều triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đáng biểu dương là các tỉnh, thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử với tỷ lệ đa số đạt từ 96-100%, ông Tuấn cho biết thêm. Các hoạt động đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp (một chỉ tiêu quan trọng được giao trong Nghị quyết 35) được thực hiện thường xuyên tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương tổ chức dưới nhiều hình thức hợp lý, hiệu quả.

Nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức đối thoại với doanh nghiệp như: tổ chức đối thoại loại theo loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI theo từng nước), đối thoại với doanh nghiệp hàng tuần (Vĩnh Phúc), hàng tháng ( Hải Phòng), đối thoại trên truyền hình (Đắk Lắk)… Đặc biệt mô hình “Cà phê doanh nhân” ngày được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện, cởi mở giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại, cũng như giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của VCCI, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo như: thành phố Hà Nội ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2020 và đang xây dựng Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Tỉnh An Giang thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016- 2019. Tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh….

Song song với những kết quả đạt được vẫn tồn tại nhiều hạn chế mà các địa phương cần xem xét, điều chỉnh và đổi mới.

Theo ông Tuấn, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn hạn chế về năng lực; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu vẫn còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Trong quá trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là về tiêu chí đánh giá cần bỏ cái gì và giữ lại cái gì. Hiện đang có tình trạng mỗi bộ ngành sử dụng một tiêu chí khác nhau để xác định vấn đề này.

Liên quan tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 mà Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là thách thức không hề nhỏ. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ công bố số doanh nghiệp đang hoạt động. Hầu hết các tỉnh, thành phố chỉ mới dám đặt mục tiêu về số đăng ký thành lập hoạt động. Ngay tại trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu hết năm 2020 có 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động như Báo cáo 9 tháng năm 2018 của thành phố Hà Nội cũng chỉ có 248.734 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên trong số doanh nghiệp đăng ký hoạt động có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới là mục tiêu mà Nghị quyết 35 đề ra.

Nhiều địa phương còn gặp khó khăn và lúng túng với mục tiêu gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Nhất là các tỉnh có vị trí địa lý, điều kiện không thuận lợi. Tại các tỉnh này số lượng doanh nghiệp hoạt động thường ít, dân cư thưa thớt và yếu tố thu hút đầu tư không thuận lợi, trình độ cán bộ công chức còn yếu nên còn lúng túng trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa hoàn thiện; phong trào khởi nghiệp chưa thực sự mạnh và bền vững.

Vẫn có doanh nghiệp phản ánh địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 quy định. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp còn chậm. Số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn chưa nhiều...

Thực tiễn này để thấy rằng, "công cuộc cải cách không thể để chậm nhịp. Năm 2019 tới đây cần những động thái mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Không thể để trên "nóng" dưới "lạnh" hay trên "nóng", dưới "nóng" ở giữa "lạnh"... Khát khao một năm mới nhiều thay đổi. Khát vọng một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn sẽ không thể trở thành hiện thực nếu tất cả chỉ dậm chân tại chỗ", ông Lộc khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục