Giải pháp nào để giải ngân vốn đầu tư công, ODA minh bạch và hiệu quả?

19:47' - 18/08/2017
BNEWS Giải ngân vốn đầu tư công và ODA đang bị chậm, có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Toạ đàm trực tuyến "giải ngân vốn đầu tư công, ODA: Minh bạch và Hiệu quả". Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN
"Giải ngân vốn đầu tư công, ODA: Minh bạch và hiệu quả" là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 18/8, tại Hà Nội nhằm làm rõ hơn về việc chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA.

Vấn đề này đang được dư luận hết sức quan tâm và được cho là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng tăng cao.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng đã có những dấu hiệu tích cực, tốc độ tăng cao hơn so với 7 tháng của năm 2016.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017 thì tốc độ giải ngân này còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, mới chỉ đạt được hơn 30%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ giải ngân chậm là do đầu năm thông thường là giai đoạn có rất nhiều thủ tục phải hoàn thiện của một dự án, ví dụ như: các thủ tục liên quan đến đấu thầu các gói thầu, thủ tục về giấy tờ cần thiết để có thể đủ điều kiện triển khai dự án. Chính vì thế, hầu hết các dự án đều tập trung vào giải ngân cuối năm.

Một nguyên nhân khác cũng được ông Phương đưa ra là do giải phóng mặt bằng, việc này hết sức phức tạp, đối với những dự án càng lớn, sử dụng diện tích đất càng lớn thì giải phóng mặt bằng càng phức tạp và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó còn những nguyên nhân khác như: công tác hoàn thiện các thủ tục và sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư với các cơ quan liên quan và nhà thầu trong việc hoàn thiện các hồ sơ giấy tờ; ảnh hưởng của thời tiết.

Do ở nhiều địa phương có mưa dẫn đến công trình thi công ảnh hưởng rất nhiều và không thể thực hiện được. Mặt khác, việc giao vốn cũng là đang một trong những lý do dẫn đến khả năng đồng vốn có thể giải ngân được bị hạn hẹp và cũng ảnh hưởng đến khối lượng vốn giải ngân...

Cũng giống như nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn ODA cũng đang chậm trong việc giải ngân. Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 7 tháng qua, vốn ODA đã giải ngân được 41.700 tỷ đồng, đạt 42% so với kế hoạch. Số giải ngân này cũng mới chỉ đạt 95% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Khánh cho biết, việc giải ngân vốn ODA chậm cũng có những nguyên nhân giống như nguồn vốn vay trong nước. Đối với các dự án ODA đều phải có những quá trình bắt buộc như: dự án phải có thiết kế cơ sở, xây dựng tổng dự toán, tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu… tất cả ở mỗi khâu chỉ chậm một chút thì sẽ dẫn đến việc chậm giải ngân chung. Đặc biệt, đối với những dự án ODA, không chỉ thủ tục mà đôi khi còn phải thực hiện quy trình thủ tục ở cả 2 phía…

Để sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư công, ông Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng tháng sẽ có báo cáo cập nhật tình hình đối với Chính phủ và Thủ tướng để có báo cáo điều hành cho phù hợp.

Ông Phương cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo đến tháng 9/2017, sẽ tiến hành rà soát và điều hòa nguồn vốn đầu tư công; trong đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công và sẽ điều chuyển từ những dự án mà không giải ngân được, chậm và khả năng không hấp thụ được vốn thì sẽ chuyển sang những dự án có khả năng giải ngân tốt và tiêu thụ được vốn trong năm 2017.

Đối với giải pháp tăng cường giải ngân nguồn vốn ODA, ông Khánh cho rằng, trước hết, các Bộ, ngành phải chỉ đạo quyết liệt để thực hiện dự án; chỉ đạo theo tiến độ, bám sát tiến độ; đồng thời, hạn chế tối đa việc điều chỉnh; đặc biệt đối với những dự án phải kết thúc trong năm 2017, năm 2018 thì phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ.

Tiếp đến là Ban chỉ đạo trực tiếp nguồn vốn ODA cần tiến hành đối với những dự án trọng điểm mà hiện nay đang có vấn đề và cương quyết xử lý những vấn đề phát sinh thuộc trách nhiệm của mình và những vấn đề vượt thẩm quyền thì cần tổ chức xem xét quyết định; trong đó, có những giải pháp nếu như không làm được thì sẽ tái thu nguồn vốn hoặc tái cơ cấu dự án và chuyển nguồn vốn đó cho những dự án có khả năng giải ngân nhiều hơn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại nhấn mạnh.

“ Nhiệm vụ các tháng còn lại là rất nặng nề. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Do đó, chúng ta cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để tăng cường hoạt động điều hành có hiệu quả.

Riêng đối với giải ngân, một mặt theo thông lệ cuối năm tốc độ giải ngân cao, cộng với điều hành của Chính phủ như: điều hoà vốn, điều chuyển vốn... Với những giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan quyết tâm thực hiện; chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giải ngân trong những tháng cuối năm”, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân hy vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục